Bài của cư sĩ Lê Minh, tôi dẫn về từ đây http://chuaphuclam.vn/. Như thường lệ, tít lại rút trong quần ra, hã hã...
Với những điều kiện và yêu cầu trên, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay không thể đáp ứng được. Công cụ để thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý và điều hành của tổ chức giáo hội không có và nếu có cũng không thể áp dụng điều kiện và yêu cầu này trong tổ chức đạo. Bởi vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, đồng thời không lấy giáo quyền để chi phối mà giáo hội hoạt động Phật sự là nhằm mục đích điều hòa hợp nhất sinh hoạt đúng chính pháp, lấy tinh thần tự giác của mỗi Tăng ni, Phật tử, lấy công thưởng đức, tu nhân tích đức, khuôn thước mẫu mực để làm chỗ dựa tinh thần cho Phật tử, do đó không thể có công cụ giáo quyền để duy trì tổ chức của giáo hội, nếu có sự việc xảy ra trong Tăng ni thì tuân thủ giáo pháp và giới luật Phật chế để điều chỉnh trên tinh thần giáo dục “cứu một người phúc đẳng hà sa”.
Về trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đều không có cơ sở nào là công sở chung của Giáo hội. Ngay cả Trung ương Giáo hội (đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội) và (đặt tại Thiền viện Quảng Đức – thành phố Hồ Chí Minh) đều không nằm dưới sự quản trị chung của Giáo hội mà hầu hết đến nay đều bị chi phối bởi (cổ phần hóa trụ sở). Các Tỉnh, Thành hội và quận, huyện hội đều chung số phận như vậy, thậm chí liên tục phải “ban chiếu dời đô” vì tân lãnh đạo tân trụ sở.
Về con người đảm trách công tác Phật sự từ trung ương đến địa phương đều kiêm nhiệm, không có chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức và điều hành công tác hành chính đạo, luật đời không rõ, luật đạo cũng không thông, ban hành văn bản hành chính tùy tiện, không theo một trình tự về thể thức và nội dung, không bảo đảm được đúng yêu cầu của Phật sự, bên cạnh đó còn chịu sự chi phối quyền lợi cá nhân chứ không căn cứ pháp quy để xử sự các sự vụ và tình huống phát sinh trong quản lý hành chính đạo.
Rõ ràng ba vấn đề trên hiện nay trong hệ thống tổ chức Giáo hội đều không có và nếu có chỉ là hình thức, không đáp ứng đầy đủ những vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay, và như vậy có thể khẳng định rằng hệ thống tổ chức Giáo hội hiện nay không phù hợp với tư cách là một tổ chức tôn giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ.
2. Hệ thống tổ chức Giáo hội hiện nay từ trung ương đến địa phương đều mới chỉ đạt đến mô hình và như là những sa bàn để trưng bày triển lãm. Lãnh đạo Giáo hội thử tư duy lại xem, 5 năm các cấp Giáo hội tổ chức đại hội một kỳ, mỗi năm một kỳ hội nghị tổng kết và một hội nghị sơ kết công tác. Mỗi kỳ đại hội, hội nghị như vậy đều có báo cáo tổng kết, báo cáo sơ kết và đề ra chương trình hoạt động Phật và nghị quyết.
Tuy nhiên, chưa có cấp Giáo hội nào ban hành văn bản để thể chế hóa, triển khai các hoạt động Phật sự cụ thể trong hệ thống tổ chức để hướng dẫn Tăng ni, Phật tử thành viên trong Giáo hội thực hiện. Mà mỗi Phật sự được tổng hợp thành báo cáo của các cấp Giáo hội đều do Tăng ni, Phật tử trụ trì và sinh hoạt tại các cơ sở tự viện tự tổ chức thực hiện (mang yếu tố tự phát).
Và mỗi kỳ đại hội, hội nghị của các cấp Giáo hội đều thực hiện “báo cáo gom công tác Phật sự” của Tăng ni, Phật tử tại các chùa đã triển khai, để trở thành báo cáo chung của Giáo hội, trung ương lấy báo cáo của tỉnh, tỉnh lấy báo cáo của huyện và huyện lấy kết quả của chùa, như thế là quan hệ một chiều và đó là nguyên nhân dẫn đến Tăng ni, Phật tử không biết đến tổ chức Giáo hội như thế nào, và ngay cả những nơi xẩy ra sự vụ tranh chấp đất đai, tài sản, tôn tạo trùng tu cơ sở tự viện, những việc làm gây mất đoàn kết liên quan đến Tăng ni, Phật tử thì Giáo hội hầu như đứng ngoài cuộc, thậm chí là không có quan điểm chính kiến rõ ràng để giải quyết thấu tình đạt lý trên cơ sở luật đời và luật đạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên của tổ chức khi bị xâm hại.
3. Từ những thực tế đó, một số vấn đề đã nảy sinh trong thời gian qua và gây bức xúc trong cộng đồng xã hội: mất đoàn kết, không hòa hợp trong nội bộ Tăng ni, Phật tử, tạo bè kết đảng là vấn đề cấp bách đáng lo ngại tổ chức Giáo hội (có chăng chỉ là hình thức, bề ngoài, bằng mặt không bằng lòng) đang là hiện tượng phổ biến trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt mỗi dịp đại hội suy tôn, suy cử nhân sự lãnh đạo Giáo hội thì vấn đề này lại càng sâu sắc.
Một bộ phận Tăng ni chạy theo đời sống thế tục thái quá, xa rời giới luật và đời sống thiền gia, như việc chay chức, chạy quyền, mua bán bằng cấp học vị trong đạo ngoài đời, hám danh, hám lợi, tham nhũng (thông qua hình thức tâm hương cúng dường), mua sắm trang thiết bị đồ dùng cá nhân xa xỉ, hủ hóa, hành nghề mê tín dị đoan, thậm chí có người cho rằng đi tu thời nay là một nghề “ho ra bạc, khạc ra tiền”, có cả những đại gia không ngại ngần và cũng không cần phải suy nghĩ gì, sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây cất ngôi chùa mới, rồi mời sư trụ trì để lấy lòng tin của Phật tử và khách thập phương đến lễ bái và phát tâm công đức, .…
Một bộ phận quý vị lãnh đạo trong tổ chức Giáo hội cũng đang lâm vào tình trạng công tư không rõ ràng, lạm dụng chức vụ, đố kỵ, hiềm khích với pháp lữ, đặc biệt là đối với những người có việc làm hơn mình, ban hành văn bản ngăn sông cấm chợ đối với các hoạt động hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử tu học...
Đây là một sự thực báo động trong giới Tăng ni, Phật tử và gây bức xúc trong đời sống xã hội mà các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa có hướng để giải quyết và cứ tiếp tục tình hình này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ mất lòng tin, uy tín bị giảm sút trong lòng xã hội.