Tôi có thằng bạn thủa thiếu thời, thân thiết lắm. Bọn tôi học chung từ mẫu giáo trường làng đến cấp hai trường huyện. Nhưng đến cấp ba thì nó chuyển trường tỉnh dưới thị xã học, theo sự di cư của song thân. Cái sự xa mặt cách lòng làm cho tình thân bơn bớt đi nhưng vẫn nghĩ về nhau bởi những điều tốt đẹp. Thi thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau khề khà những câu chuyện cập kê mới lớn, chán đi thì vục mặt niêu gang mà nức nở cơm cơm rang, cơm nguội.
Tôi vào đại học. Nó chẳng thi thố gì bởi gia đình gặp phải biến cố bại sản tán gia. Ai đó dạy nó nghề nấu kẹo kéo. Nó kiếm ăn bằng cách đẩy xe kẹo kéo bán dạo bờ hồ dỗ trẻ nít. Thời đó vật ngang giá là dăm hào lẻ, bơ gạo hôi và cả những xoong nồi lông lá vịt gà aka đồng nát.
Bẵng đi không gặp lại bởi cuộc sống lôi mỗi chúng tôi đi xềnh xệch theo những lối chẳng giống nhau. Nhưng tôi vẫn hay nhớ về nó, nhớ về những trắc trở và cả những kỷ niệm hoa niên biền biệt. Và tôi tin nó cũng hay nghĩ về tôi như thế.
Ấy rồi tôi vô tình gặp lại nó trong một dịp gặp mặt hội doanh nhân đồng hương nơi phố hội, vào mùa 2007. Ai đó nói tận cùng của hạnh phúc là nước mắt và đỉnh điểm của nỗi đau là tiếng cười sao mà đúng thế. Chúng tôi mừng mừng tủi tủi trong niềm hoan ca lạc bầy lẻ bạn.
Chúng tôi xoắn xuýt lấy nhau như thời còn trẻ dại. Tôi ra sức kết nối lại những ân tình bè bạn những xa xưa. Chẳng mưu cầu gì cả mà bởi một lẽ giản đơn là chúng tôi đã...chớm già. Mà bọn già thì hay la đà quá vãng lắm. Để làm gì? Các bạn cứ chớm già đi thì khắc hiểu.
Bây giờ nó đã là một đại gia danh giá chuyên về ngành hàng thực phẩm và bánh kẹo cấp cao. Con đường lập nghiệp kể ra thì dài nhưng khởi nguồn lại là cái xe kẹo kéo thủa bần hàn nơi nhà quê xó xỉnh. Từ một thằng bán kẹo kéo, nó mở xưởng làm bánh kẹo gia công cho người ta. Vào cái thời xỏ lá, trẻ con cho đến người già đều hảo ngọt đến nan y. Mối lái từ một miền quê nghèo khó được mở bung ra gần hết nửa Bắc kỳ. Nó lập nhà máy, thâu nạp thợ thuyền, tạo nên cái thương hiệu trứ danh Keo Keo, hiểu theo nghĩa nôm na là...kẹo kéo.
Chúng tôi vẫn gặp nhau mỗi tuần như là một quy ước. Ngoài cái việc bù khú bạn bè thì cũng là dịp để cho vợ con đôi bên thêm phần khăng khít và cái chính là những lúc say có dịp ôn lại chuyện cũ cho các thính giả thiết thân nức nở nghe chơi. Tôi với nó giờ có so đo thì khác gì công mái so với quạ khoang hay măng-sông so với đèn dầu hoặc ca la thầu so với củ ấu. Ấy nhưng nhờ cái cốt lõi kết giao xưa cũ nên vẫn giữ được nết tương kính thân tình. Ai đó nói "giàu đổi bạn, sang đổi vợ, vợ nỡ đổi sim" thời cũng không phải cho lắm nhưng tôi xin phép thêm vào là " hỏng chim thì...ăn cứt". Cái này thì đúng trăm trăm, cấm cãi hehe.
Ăn nên làm ra nên tiêu pha rộng rãi, hầu như đi ăn chơi với tôi hay chúng bạn nó chẳng để cho ai phải bỏ tiền bao giờ. Nó bảo đãi đọa các ông bà là ngân khoản dành riêng của công ty và trong trương mục tài chính có ghi là " làm từ thiện". Đừng hiểu điều này theo cái lối xỏ xiên mà tôi hay biên những khi lên cơn đểu giả, mà là thật. Từ thiện thật.
Tôi đi cùng nó vài lần nên tôi biết. Cách nó làm từ thiện cực khoa học và văn minh. Tỉ như đến trại thương binh là vài cái xe lăn cộng những túi vật phẩm là quà bánh mà theo nó nói là của nhà giồng được. Hay đến với các cháu học sinh là những quyển vở tinh tinh thơm mùi giấy và lại cộng thêm những túi quà bánh mà theo nó nói là của nhà làm ra. Công thức đại khái là như thế. Giáo khoa vỡ lòng về maketing hay bán hàng tôi không thạo lắm nhưng quả một công lợi hai ba việc thật. Và cái quan trọng là thỏa nỗi lòng của kẻ cho và người nhận cũng bớt đi nỗi phân vân.
Hôm nọ đọc báo tôi thấy tên doanh nghiệp nó bị bêu riếu vì cái tội tặng quà bánh toàn những hàng hết đát. Lướt mạng xã hội cũng thấy người ta oán thán kêu ca. Tôi không tiện hỏi và coi đó là những tai tạn thiện tâm lầm lỡ. Ở xứ sở này, làm điều tốt còn rủi ro hơn cả làm...điều xấu nhiều boong. Thật thà mà nói vậy.
Nhưng đến hôm nay, khi trung thu đang tới gần, tôi đọc báo thấy người ta đồng loạt ra quân kiểm tra chất lượng sản phẩm những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bánh kẹo - thực phẩm. Vẫn là cái lối ra quân thời vụ để ngăn chặn những những gian dối mãi thương và cũng có thể là trục lợi thị trường. Tôi không còn tin vào mắt mình nữa khi báo người ta giật tít gai góc như da cóc tía, rằng " doanh nghiệp Keo Keo sử dụng chất cấm gây ung thư trong hàng loạt các sản phẩm bánh kẹo phục vụ trung thu và tết". Tôi hết cả hồn.
Máy tôi rung lên. Nó gọi. Tôi không nghe. Nó lại gọi. Tôi vẫn không nghe. Nó lại gọi. Tôi bực tức rồi nức nở " a nhô". Chẳng hiểu nó nói những gì nhưng câu kết là " mày hãy tìm thày cho tao...chạy thuốc".
Nếu tôi tìm được thày thì sẽ khuyên ngay là kê cho nó cái đơn có tên là...thuốc chuột.
Bạn mới chả bè. Thật đéo bằng cái...bẹn bà. Hiuhiu.