Mời các anh chị nghiên cứu CƯƠNG THI. Bài biên của nhà quán quân ném đá hội nghị Lê Vĩnh Huy. Tôi dẫn bài về từ https://levinhhuy.wordpress.com/2015/11/12/cuong-thi/.
***
Cương thi còn gọi khác di thi, tẩu ảnh, tẩu thi; có nhiều đặc điểm tương đồng với Zombie và ma cà rồng của phương Tây.
Cương thi được phổ biến là nhờ điện ảnh Hong Kong, thường mặc quan phục Mãn Thanh. Đó là những xác người chết rồi vẫn không nhắm mắt, họ chất chứa oán khí ngút trời vì mộ phần bị kinh động, hoặc bởi phong thủy phù hợp mà được kích hoạt. Hấp thụ âm khí, nên vào những đêm trăng tròn, cương thi đặc biệt hung hãn và mạnh mẽ hơn ngày thường.
Duyệt Vi Thảo Đường bút ký ghi có hai loại cương thi: loại xác chết đột biến thành cương thi, và loại thây ma chôn cất lâu ngày nhưng không phân hủy.
Những “xác chết đột biến thành cương thi” thường là những trường hợp tuy có những biểu hiện của cái chết lâm sàng, nhưng chưa chết hẳn. Có người chết đi, xác đã liệm xong, nắp quan tài đóng kín rồi, thì bỗng bên trong có tiếng vùng vẫy cào cấu, thân nhân phá hòm mở ra thấy người chết đang cong mình oằn oại, hoặc… ngồi bật dậy; thế là truyền thuyết cương thi hình thành.
Lại có trường hợp do thổ nhưỡng nơi an táng không thích hợp cho vi khuẩn sinh sôi, nên có những di thể dù chôn lâu năm vẫn không mục rã, còn giữ được gần như nguyên vẹn hình dạng thuở sinh tiền. Khi cải táng, người ta thấy những xác này còn nguyên da thịt bám trên xương, và tóc cũng như móng tay móng chân, bởi sự co rút và teo tóp của cơ khiến nhìn vào tưởng như còn mọc dài ra thêm sau khi chết. Bọn thầy pháp nhân đó thêu dệt đủ chuyện hoang đường để lập đàn tróc quỷ, tróc luôn tiền tín chủ.
Đủ thứ phương pháp đối phó cương thi được các thầy pháp bịa ra để lòe đời: dùng kính chiếu yêu, bùa bát quái, gươm gỗ đào, máu mào gà, tiết chó mực; thậm chí cả gạo nếp, đậu đỏ, cũng được huy động để thầy trừ âm binh.
Thật ra, cương thi có thật hay không? Trong Báu vật của đời, Mạc Ngôn kể chuyện Trương Thiên Tứ, một môn đồ của phái Hoạt Nạn, chuyên hành nghề dẫn độ xác chết. Tác gia Trung quốc thường đặt tên nhân vật với nhiều ngụ ý, ở đây là dùng phép mâu thuẫn để nhấn mạnh: người hành nghề trên xác chết lại có tên “Thiên Tứ” (trời ban); giáo phái chuyên nghề dẫn độ xác chết có tên là “Hoạt Nạn” (sống trong khổ nạn). Không rõ đó có phải tên thật của giáo phái hay không, nhưng truyền thuyết về cương thi là xuất phát từ Tương Tây.
Tương Tây là vùng đất rộng lớn ở phía tây tỉnh Hồ Nam, khí hậu ẩm thấp, có diện tích 15.461km vuông, mật độ dân cư thưa thớt (165 người/km vuông, vào năm 2010). Đây là nơi sinh sống của tộc Miêu (người Mèo). Vùng đất này là nơi thần bí đối với dân Trung nguyên. Nó có lịch sử lâu đời, nhà Thương (khoảng 1558-1046Tr.Cn) gọi đây là “Quỷ phương”, vùng đất quỷ; nay thuộc khu tự trị của người Miêu. Trong mắt người Hoa Hạ, tộc Miêu có những phong tục thần bí quái đản lạ thường. Tương Tây có những giáo phái kỳ bí với những nghi thức cúng tế hoang sơ tối cổ. Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung tiên sinh có nhân vật Ngũ Độc giáo chủ Lam Phượng Hoàng, chính là một cô gái thuộc tộc Miêu này.
Nhiều người Miêu sống nhờ nghề đưa linh ngàn dặm. Theo cổ tục Trung Hoa, vùi thây tha hương là điều đại bất hạnh, vong hồn chẳng thể siêu thoát, mà con cháu cũng phải chịu tổn âm đức, gia đạo bất an, khó thể ăn nên làm ra. Vì thế, ngoại trừ những gia đình nghèo túng, còn thì nhất định phải đưa xác thân nhân về nhà cho bằng được. Người Miêu lãnh phần cáng đáng công việc “dẫn xác” này, dĩ nhiên với thù lao cực cao.
Thường thì chỉ có một xác chết, nhưng thuật sĩ sẽ phao lên có hẳn một đoàn thây ma, ý hẳn để khoe mình làm ăn đắt mối, nhưng thực ra bên trong hàm chứa ý đồ che mắt thiên hạ. Đoàn dẫn độ tử thi chỉ đi vào ban đêm, lại tránh cả những khi trăng sáng, với lời giải thích trăng tròn là khí âm cực thịnh, thầy sẽ khó chế ngự cương thi. Tiếng chuông đưa linh rùng rợn dẫn đầu báo hiệu có tử thi đang trên đường hồi hương để khách bộ hành tránh xa kẻo xúi quẩy. Dăm ba hình ma bóng quế mặc áo liệm đặt hai tay lên vai nhau thành hàng dài thẳng tiến. Những “xác” đó được buộc lại bằng dây thừng với đòn cáng bằng mây sơn đen kịt xuyên qua. Xác chết thật dĩ nhiên không biết cử động, phía trước và sau đoàn âm binh này là hai hình nộm, xen vào đó là hai kẻ trai tráng cũng khoác áo liệm cải trang ghé vai khiêng xác. Đòn gánh làm bằng mây nhún nhảy nhịp nhàng theo bước chân, từ xa nhìn thấp thoáng, người ta thấy những con ma đang nhảy cà tưng. Gà gáy sáng thì đoàn cương thi dừng lại tìm nơi tá túc, các “xác” được dựng vào tường với lá bùa phủ lên mặt mũi ngăn những cặp mắt tò mò; vả lại, mùi tử khí nồng nặc lộn mửa khiến chẳng ai dám đến gần để nhìn cho tường tận. Và truyền thuyết cương thi từ đó đồn đại lan ra khắp giang hồ.
Nước ta không có cương thi, nhưng tôi đã từng gặp ma cà tưng ở Hà Nội. Đó là một đêm khuya giá buốt, tàn trận pháo hoa mừng đại thắng, có mấy con ma gặp nhau ở một giao lộ.
Con ma thứ nhất di chuyển bằng đôi nạng gỗ, tự hào chỉ vào đôi chân cụt đến bẹn: “Cứ điểm A1 Điện Biên, đỉnh Tây Bắc ở độ cao 493m”.
Con ma thứ hai chỉ vào một bên chân cụt: “Đường Trường Sơn, cứ điểm Khe Sanh, điểm cao 845”.
Con ma thứ ba còn nguyên cả hai chân, vừa lê lết vừa nhảy lưng tưng: “Cứt chó, chỗ ngã tư cách đây 200m”.
Vậy đó, chết là sự trở về, với đất mẹ muôn đời mở rộng. Nhưng lại có những âm hồn bất tán, vì không được chôn cất tử tế mà phải thành cương thi báo đời. Mong sao trong thiên hạ không còn những cương thi ngậm ngùi oán khí khôn nguôi đó nữa. Nam mô Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát tát đại chứng minh!