Nói đến bài thơ “Ông Cò” của Tú Xương, một bài thơ đã từng được đưa vào bình giảng trong chương trình văn học của trường phổ thông thì chắc ai cũng nhớ. Bài thơ ấy như thế này:
“Hà Nam danh giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho
Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
Người quên mất thẻ âu trời cãi
Chó chạy ra đường có chủ lo
Ngớ ngẩn đi xia may vớ được
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to!”
Bài thơ được cho là lên án chế độ hà khắc của thực dân Pháp áp đặt lên nhân dân ta, thông qua hình ảnh một tên trùm cảnh sát.
Chế độ hà khắc đó làm cho dân ta phải sống trong cảnh ngột ngạt vì mất tự do, cụ thể là mái nhà dột không được sửa, sau tám giờ tối thì không được ra ngoài đường (nếu không mang theo giấy tùy thân), vân vân và vi vi …
Và bài thơ cũng nói lên thái độ của tác giả với ông Cò qua việc ngầm ví sự mẫn cán của ông cò với việc con chó đi tìm phân.
Hẳn nhiên bài thơ đó không ít thì nhiều đã góp phần vào ý thức phản kháng lại ách đô hộ của thực dân Pháp, làm tiền đề cho các ý tưởng giành độc lập dân tộc sau này.
Thế nhưng nhìn vào một khía cạnh khác, có thể thấy vài điều.
Trước hết, nó thể hiện thái độ chống đối thường trực của dân ta trước bất cứ một ý định nào nhằm đưa mọi người vào khuôn phép, đi ngược lại những thói quen, lối sống hồn nhiên phóng khoáng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, bất kể là những khuôn phép đó có lợi cho xã hội hay không, hay những thói quen đó có làm hại tới mình và mọi người xung quanh hay không.
Với một xã hội còn sơ khai và một môi trường thưa thớt, những thói quen hồn nhiên như “nhất quận công, nhì ị đồng” có thể không gây ra những ảnh hưởng xấu. Nhưng khi sống tập trung ở các đô thị, sự tương tác giữa mọi người với nhau có một mức độ cao hơn hẳn thì mọi chuyện phải khác. Chắc hẳn là chính quyền của bọn thực dân Pháp hồi đó có những lý do xác thực để ra những quy định kiểu như sau 8h tối hạn chế dân ra đường, chẳng hạn như để đề phòng những cuộc tụ tập gây rối của đám trai làng, hoặc để kiểm soát an ninh chặt hơn khi những người bần cùng sinh đạo tặc ở quê bỗng tìm thấy nhiều cơ hội hơn trong một môi trường mới, vốn là những điều dễ xảy ra ở những khu dân cư mới hình thành bởi toàn là những người nông dân mới ra phố.
Thứ hai, rất nhiều quy định của bọn đế quốc thực dân từng bị cho là hà khắc thời đó cho đến nay vẫn đang được áp dụng, hoặc cố gắng đưa vào áp dụng.
Ví dụ việc xây dựng, hay sửa chữa, cơi nới nhà cửa ở các đô thị hiện nay vẫn đang được quản lý khá chặt chẽ, nhất là với dân thường. Việc “hai mái trống tung đành chịu dột” hiện nay vẫn không phải là chuyện hiếm, nếu như việc xin phép không được trơn tru, hoặc ngôi nhà nằm trong diện cần bảo tồn, hoặc nằm trong khu quy hoạch, vươn vươn …
Hay việc “chó chạy ra đường có chủ lo” cũng là một việc mới có quy định gần đây, và mặc dù việc trộm chó càng ngày càng phổ biến đã làm cho việc thả chó chạy rông ngoài đường giảm đi thì nhiều người dân vẫn muốn thấy chó khi ra ngoài đường phải tuân theo các quy định vốn dĩ đã có từ lâu ở các thành phố văn minh bên tây, ví dụ như phải có dây buộc, có rọ mõm và phải có chủ đi kèm, chẳng hạn thế.
Thứ ba, bài thơ này cũng cho thấy một vế trong cái mâu thuẫn tồn tại từ xưa tới nay của người quê ta, đó là rất không ưa những người đứng ra giữ gìn trật tự cho mình.
Không phải chỉ thời xưa mới có thái độ ác cảm với ông cò, mà ngay trong thời nay, những tên gọi không mấy thiện cảm dành cho các lực lượng cảnh sát đã nói lên thái độ của mọi người với những người có trách nhiệm duy trì luật pháp và an ninh cho chính mình. Và ít ai nghĩ rằng thái độ thù địch đó không phải hoàn toàn bắt nguồn từ những gì không vừa ý do những ông cò tân thời gây ra, mà chủ yếu lại bắt nguồn từ những sai phạm lớn nhỏ đã trở nên quá phổ biến của mọi người. Thường trực ý thức phản kháng, không muốn tuân theo các quy định, luật lệ, bất kể là nó có gây phiền toái cho bản thân hay không, nhiều hay ít, hoặc phản ứng lại bằng thái độ tiêu cực khi bị xử lý vi phạm, đồng thời lại đòi hỏi các lực lượng cảnh sát phải công tâm, tận tụy, phải đảm bảo an ninh trật tự này nọ, đó là mâu thuẫn lớn ngay trong suy nghĩ của đa số dân quê ta.
Việc tôn trọng luật pháp và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật ở quê ta cho tới nay vẫn chỉ là một mong ước. Có lẽ chừng nào mà bài thơ này (và những bài thơ, văn khác có nội dung tương tự) còn được cảm nhận như là lời lên án, coi việc bảo vệ luật pháp là sự hà khắc, còn tạo nên tâm lý xuê xoa, cảm thông với những vi phạm, kể cả khi chúng bị lái đi vì những toan tính chính trị, thì chừng đó quê ta vẫn còn chưa lớn nổi thành người.
***
Bài bê về từ nhà bác Cua Đồng https://cuadong2010.wordpress.com/2015/11/22/ong-co/