Tôi vốn là một thằng nhà quê. Tuổi thơ gắn chặt với ruộng vườn và lợn gà cám bã dù cha mẹ đều làm thân giáo chức. Thủa đó giáo viên cũng chả khác mấy anh dân cày, đều lam lũ và đói khát cả. Khác chăng thời được trọng vọng hơn thôi bởi trong người có chút chữ nghĩa và chức phận răn dạy lũ ấu nhi cái nết học hành. Ấy là so sánh thế, chứ thật ra cha mẹ tôi còn khổ hơn họ nhiều bởi ngoài giờ lên lớp thì cũng phải lăn ra mà hàng xay hàng xáo để lấy cám bã chăn thả lợn gà, chứ như nông dân người ta một năm cấy hái hai vụ, hết việc đồng áng là nhàn nhã trong sự buồn bã kinh niên.
Nhà đông anh em, những bốn, nên càng vất vả tợn khi mà đồng lương được quy ra là tem phiếu và được quy đổi bằng gạo hẩm thịt thiu và lìu tìu những kim chỉ đá lửa dầu hôi theo hạng bậc. Giấc mơ tuổi thần tiên của anh em tôi chỉ là cơm no và mỗi khi ốm đau được cốc nước có vị đường để uống viên thuốc cảm Xuyên Hương cho đỡ đắng. Phận làm cha mẹ chả ai nỡ lòng nhìn bầy con nheo nhóc và đói khát như thế cả. Thế là cha mẹ tôi quyết đi làm hàng xáo, một nghề xưa cũ của cái nền văn minh lúa nước lắm phập phù bởi thiên tai và địch họa. Nhiều người nhẽ không biết đến nghề này, ấy là cái việc đi mua thóc rồi xay xát ra, gạo đem bán cho người ta, còn cám bã thời thu về để chăn thả lợn gà, một công việc đặc thù của cái gọi là lấy công làm lãi. Nhưng hỡi ơi vào cái thời đó, một việc ngay tình và đương nhiên này lại là trọng tội bởi chính sách ngăn sông cấm chợ và bài bác tư thương. Tôi nhớ mãi cái cảnh cha mẹ tôi phải dậy từ 2-3 giờ sáng, bất kể đông giá hay nắng lửa mưa nguồn mà chở gạo xuống thị xã theo những cung tường ngang tắt hẹp hòi tăm tối để tránh việc tầm nã của thuế vụ. Không biết tỉ lệ thành công trót lọt như thế nào nhưng hễ hôm nào mẹ tôi dấm dứt khóc thầm thời tôi biết là có chuyện hay như cha tôi ngồi phệt bậu cửa mà ngửa cổ nốc chai rượu suông thì y rằng là việc hỏng. Mỗi bận như thế, anh em tôi cứ len lét như rắn mồng năm, mỗi đứa mỗi việc hoặc lỉnh đi đâu cho đỡ tủi phận và ngứa mắt song thân.
Chúng tôi lao động bằng việc chăn thả lợn gà như một lẽ đương nhiên tuy có phần hơi cưỡng bức. Vào cái thời ăn không đủ no thì việc mải chơi còn là một thách thức, huống hồ là đánh vật với lũ lợn gà. Mẹ tôi gầy giống lúc đầu năm bằng đôi lợn thịt, một con nái sề và hẳn cả thê đội gà nhiều lông lá. Tất cả đều ở hạng…mini. Tôi nhớn nhất nhà nên lãnh cái việc chăn lợn, mấy đứa em bé hơn thời chăn gà và phụ việc cám bã bèo rau. Mẹ tôi hay xoa đầu động viên, rằng hãy chịu khó chăm bẵm chúng chóng nhớn, cuối năm xuất chuồng thời mua cho áo mới lẫn bút mực Hồng Hà. Tôi ăn nhời lắm, quần quật như khổ sai bởi cái tương lai huy hoàng phía trước. Sáng tôi dậy sớm vớt bèo thái chuối, hoàng hôn lại lân la từng cuống rạ đồng chiều mót những thứ rau cỏ đang la đà như buồn ngủ. Tôi nấu chúng trong cái nồi gang mà mỗi nhần nhấc bàng lên thời cứ y như cử tạ, đun sôi chín là cho cám vào quấy lên, thế là xong khẩu phần cho cả ngày. Mà nào đã xong, còn phải cho ăn cho uống, ngày ba bữa đàng hoàng sáng trưa chiều. Nhiều lúc tôi tủi thân lắm, bởi vào bữa sáng khi lũ lợn no căng bụng nằm thở kềnh càng thì khẩu phần của tôi chỉ là ngụm nước muối loãng òng ọc trong miệng súc vội để nhanh cho kịp giờ đến lớp. Chúng càng lớn nhanh thì tôi lại càng bé đi trong cái vất vả thổ tả lẫn huy hoàng. Mẹ tôi khen lắm, nhưng là khen mấy con lợn ở cái nết hay ăn chóng nhớn chứ tịnh chả thấy đả động đến công sức của tôi. Nhẽ bà cho đó là trách nhiệm?
Cuối năm con nái sề động dục. Từ một con cái mini ngày nào, giờ thì mông to vú nở, phá chuồng phá cũi như ranh. Tôi chẳng dám làm phép so sánh với loài người bởi suy cho cùng ra chúng ta đều có khởi sự là…CON cả.
Mẹ tôi gọi một người có tên là Tuyết, chuyên bán tinh đến thụ thai. Nói thế này thì không rõ nghĩa lắm bởi người ta lại tưởng chú Tuyết giao phối với lợn thì thậm nguy. Mà chỉ là việc chú mang tinh lợn giống đựng trong cái lọ penixilin be bé, hút cái dịch chất đó vào cái xi-lanh mạ i-nox bóng loáng, gãi gãi rồi bơm phọt vào “ cửa mình” của con nái là xong. Mẹ tôi công xá chú đầy đủ nhưng thứ làm bà thỏa mãn nhất là từ nay tự chủ được về giống má cho những chăn thả lâu dài.
Đôi lợn thịt thì khỏi nói, chiều nào mẹ tôi cũng ra chuồng gác chân ngắm mà không biết chán. Bằng nhãn kế ( cân đo bằng mắt ) bà phán phải cỡ tạ mốt, tạ hai, có móc hàm ra cũng phải đạt bảy đến tám thành. Chẳng hiểu tự khi nào ngoài những ngôn ngữ khi đứng lớp thì bà lại tỏ ra khá thông thái với mớ từ vựng của cánh hàng xeo. Và như một lẽ dĩ nhiên, tôi vẫn chả có tí cân lạng hay thành quách gì, huhu.
Còn mấy hôm nữa là Tết, tôi cứ thấy cha mẹ tôi chụm đầu bên ngọn đèn dầu, xì xụp xầm xì y buôn bạc giả. Linh tính mách bảo tôi chuyện nghiêm trọng hoặc khuất tất nên cũng cố công rón rén chân mèo áp vách lắng nghe. Giời ạ, hóa ra họ bàn nhau giết hai con lợn thịt để ngả ra cho cả làng đụng tết đặng đến mùa thu lúa. Thật là một phép đầu cơ kinh điển của những người có tí chút chữ nghĩa lẫn tí tẹo con buôn. Tôi sướng run lên khi nghe cha tôi xí phần bốn cái chân giò cùng mảng mông sấn và một cơ số gan cật lòng mề. Có thế chứ. Tôi thoắt leo giường trùm chăn và thông tri đến lũ em y cái cách người ta truyền giáo. Chúng nhao lên và cũng tranh nhau đòi xí phần nọ phần kia, ầm ĩ trong sự so bì bọt dãi.
Ba giờ sáng ngày hăm sáu tết mùa xa lắc, nhà tôi rầm rập tiếng chân người. Bốn anh em choàng tỉnh trong cái lạnh buốt giá buổi cơ hàn. Mẹ tôi nhờ đâu đó một ông đồ tể chuyên nghề giết lợn thuê cùng hai tráng niên hàng con hàng cháu. Giữa sân, cái nồi gang vẫn hay đun cám ùng ục những nước sôi. Buổi khai đao và hóa kiếp bắt đầu.
Xin cho tôi thôi kể về những máu me và giết chóc. Chỉ biết sáng bảnh mắt, nền sân gạch đỏ phủ xanh những lá chuối và những phần thịt hồng hào được chia chác đều đặn một cách rất kỳ khôi. Mẹ tôi cạp quần găm quyển sổ, cây bút cài trong búi tóc cu, tay thoăn thoắt cân đo đong đếm, nhoáng cái chẳng còn lại gì. Trong nhà cha tôi và ông đồ tể cùng hai tráng niên hàng con cháu đang chiêu trà trên phản gụ.
Dưới bếp, mẹ tôi ngả thớt vào cái mẹt con con thủng một lỗ ở trung tâm. Bà đang nắn nót thái miếng gan cùng với mớ lòng dồi bối rối. Bốn anh em tôi kéo xuống ngồi chầu hẫu chung quanh. Vòng ngoài hai con chó khép chân run bần bật nhưng lưỡi lại thè ra như hô hấp mùa hè và đầu thời nghểu lên một cách vô cùng nghiêm túc. Bà cẩn mật xếp từng món một ra những cái đĩa mẻ xinh xinh rồi bê lên nhà. Tôi hiểu là cho cha tôi và người ta nhắm rượu. Bốn anh em nhân lúc vắng mẹ đua nhau thò tay vào nhặt những miếng vụn vương vãi trên thớt, trên mẹt và cả ở lưỡi dao. Vừa chấm mút, vừa xuýt xoa và đánh lưỡi liếm vồng lên quanh mép.
Và lần đầu tiên trong đời bốn anh em được ăn sáng bằng cháo nhưng chẳng có miếng lòng nào mà tinh những xẩu xít hư hao. Và cũng chẳng có cái chân giò, mảng mông sấn hay miếng gan cật lòng mề nào dù tôi đã cố công kiễng chân lục tung chạn bát hẩm hiu và gác bếp lạnh lùng. Tôi khóc ầm lên. Lũ em tôi cũng mỗi đứa một xó vê vạt áo mà dấm dứt. Mẹ tôi cố dỗ dành nhưng chẳng đứa nào chịu nín.
Tết đó nhà vẫn có thịt lợn. Nhưng không còn là LỢN TẾT nữa rồi.