Quantcast
Channel: Phọt Phẹt
Viewing all articles
Browse latest Browse all 444

QUANG QUÁC.

$
0
0


Là tôi xách mé gọi gã thế. Chứ thực ra gã đáng tuổi cha chú. Tôi biết gã từ năm 94, ngày mới nhấc đít từ nhà quê ra nơi phố thị. Chả là vợ gã, một vàng son hát xướng lẫy lừng khi đảo qua trường Tổng hợp ( cũ) đi chấm thi mấy trò văn nghệ sinh viên thì phát hiện ra tôi mới thằng Bôm Bốp. Cô khen chúng mày hát hay, có tố chất, qua nhạc viện học mới cô, cô đỡ đần.

Bọn tôi ngạc nhiên và hoang mang lắm khi cô trao tay tấm giấy ghi địa chỉ nhà riêng và số điện thoại rồi ôm vai nhúc nhắc dặn, nhớ nhé, đến không cô buồn. Chúng tôi cũng quên tiệt đi, cứ nghĩ đấy là trò đùa hay một phút cao hứng của giai nhân tài tử. Nhà quê ra tỉnh, tự kỷ và tự ti quá thể lắm!

Hết năm thứ nhât tôi không còn ở chung với thằng Bôm Bốp nữa, mà chuyển nhà thuê gần trường. Ấy là làng Láng, nổi danh với rau thơm húng chó và những lò phò.

Một bữa, thằng Bôm Bốp sang thăm tôi. Phương tiện di chuyển là “căng hải” với động cơ cơm hai ngày chưa có hạt nào. Nói thăm là cho ra vẻ, chứ thật ra là đi mò ăn. Ngày ấy sinh viên đói kinh niên, khổ như tiền đồ chị Dậu. Tôi chả khá khẩm hơn, nợ nguyên cả một dãy phố dài, kéo tận vào ngõ hẹp của mấy anh bán bánh mì đêm. Chúng tôi nhìn nhau, nỗi cồn cào dâng lên tầm mắt.

Tôi đãi thằng Bôm Bốp ca nước mưa cho bụng đỡ sôi rồi nghĩ kế. Nhưng nói thật với các bạn, đói thì chả nghĩ được gì đâu. Chỉ nghĩ đến ăn thôi. Ăn gì cũng được, trừ phân trong nhà xí xóm trọ và ông cóc ghẻ lụ khụ dưới chân giường. Rồi tôi rú lên, qua nhà cô hát xướng chơi tranh thủ kiếm bữa bởi miếng giấy ghi địa chỉ tôi hẵng giữ đây. Ngó quanh quất địa lý, địa hình cũng không mấy ngái xa cách trở. Thế là chúng tôi lầm lũi đi, đôi môi mười chín hai mươi rộp lên lảm nhảm những chuyện không đầu không cuối.

Lần mò rồi cũng đến, hai thằng đủn nhau việc đánh tiếng. Chưa kịp cất nhời thì một gã quần đùi áo cộc, trễ kính thò mặt ra khỏi khuôn cửa hẹp của căn hộ tập thể đời Lê Duẩn, giọng phe phé, hỏi ai? Dạ, chúng em hỏi cô có nhà? Gã cụt nhũn, đi Quảng Trị rồi, lâu mới về. Việc gì không? Dạ không! Thôi, bọn em về.

Chúng tôi quay đít. Gã giật giọng, nghe nền nã hơn, vào nhà chơi đã. Thì vào. Mấy khi được dịp. Không được bữa chén thì cũng có hớp nước chiêu hồn. Nhưng chúng tôi nhầm. Gã chả nước non cơm cháo gì mà ngồi thuyết những thứ không tài nào hiểu nổi sau khi đã biện ra ít sự giới thiệu lẫn trình bày. Mặc mẹ thằng Bôm Bốp há mồm nghe rồi thở, tôi tranh thủ nhìn quanh. Gớm, căn phòng bé tí tẹo mà ba bề bốn bên cơ man nào là sách, tuyền chữ Tây, gáy dày ụ. Tôi đoán gã chắc ở Tây về, cơ mà không dám hỏi. Nhưng tôi nhất quyết là như thế, bởi khi gã thuyết thì thi thoảng lại chêm vào những câu xì lố xì lồ nghe rất vui tai. Thú thật đến bây giờ tôi chả nhớ đếch gì ngoài cái thanh âm cao hơn mức bình thường so với những người đàn ông trưởng thành. Giọng gã y như bọn chống choai đang tập gáy hay mấy đứa dở ông dở thằng sắp sửa dậy thì.

Thuyết chán, gã bất chợt, rượu nhá? Chúng tôi đồng thanh, bọn em không biết uống. Gã hơi nhau mặt, rồi giãn ngay, cười rạng rỡ, thanh niên nên nếm tí, mấy khi. Thế thôi là gã rót. Chai rượu gì đẹp lắm, màu trong suốt long lanh. Cái ly uống cũng lạ, miệng loe nhưng đít tóp, bằng thủy tinh màu tím ngắt.

Chao ôi, hắt cốc rượu vào họng mà bỏng cổ nổ hầu, tối tăm mặt mũi. Cả đời tôi chưa từng biết đến loại rượu ác ôn như thế. Mãi sau ra trường đi làm mới biết đó là cái giống Voska từ nước Nga xa xôi. Chưa uống hết li thì gã lại rót, ra chiều nghiêm cẩn, thân tình lắm. Đã thế thì bọn tôi cũng nhiệt tình mà đáp lại bằng cách ngửa cổ dốc ngược. Giời bung biêng, đất bung biêng.

Và gã bắt đầu đọc thơ. Giời ạ, làm sao lại có thứ thơ lạ tai đến thế. Nó khác hẳn với những bài thơ bọn tôi vẫn học trong sách giáo khoa. Gã bảo, thơ tao đấy. Hay không? Bọn tôi gật lia lịa. Rồi lại mắt nhắm mồm há mà nghe. Thanh âm mỗi lúc càng rạo rực, hùng hồn, thi thoảng hoang mang xen lẫn cả nức nở, ngẹn ngào, khèng khẹc...Hết đứng dậy lượn như đèn cù lại phệt sàn mà nỉ non. Gã tưởng bọn tôi khoái chí hưởng thụ, chứ đâu biết hai thằng rượu say ngoắc cần câu. Thơ chỉ ngớt khi gã thấy hai thằng tôi dựa tường nghẹo đầu hổn hển mới cất được cái câu xin phép ra về. Gã dường như hẵng còn tiếc nuối nên cố vớt vát bằng lời hẹn hò lắm nỗi bâng khuâng, rằng rảnh thì lại đến chơi nhé.

Bọn tôi dìu nhau về, lưỡi thè như chó dại.

Sau đận đó bọn tôi chết khiếp, dù rất mong mỏi gặp lại cô hát xướng kia cho thỏa nỗi ngưỡng vọng và chút ham hố tuổi trẻ ngông cuồng. Chúng tôi quên bẵng, và chả nghĩ ngợi gì về những điều hứa hẹn, ngay cả trong cơn máu me nhất cũng như phút mơ màng. Giảng đường và những cơn đói lôi chúng tôi đi hết một dạo sinh viên khốn khó.

Nhưng cái tôi sợ nhất đến giờ lại là thơ dù vẫn chơi khá thân thiết với gã. Và gã, dù rất nổi tiếng nhưng mỗi khi gặp luôn phải nói lời xin lỗi vì đã đang tâm “ đầu độc” tâm hồn tôi bằng thơ trong một ngày nông nổi. Thứ tôi duy nhất biết ơn gã là đã gieo vào họng tôi những giọt rượu đầu đời. Với món này, tôi nổi tiếng hơn gã nhiều lần.

Phỏng anh Quang quác???



Viewing all articles
Browse latest Browse all 444

Trending Articles