Việt nam nhẽ là dân tộc yêu thích ca hát nhất thế gian. Và mỗi một vùng miền đều có những phong vị riêng vốn có. Họ hát để lao động thêm hăng say, hát để vơi đi khó nhọc và đầy tràn thêm hạnh phúc, hát để giao duyên bảo tồn nòi giống trường kỳ. Tóm lại là gi gỉ gì gì, cái gì cũng hát.
Tôi cũng không nằm ngoài cái nết đó dù tuổi đã cao và giọng như chão chuộc. Nhưng có hề gì, hát hay không bằng…hay hát. Ấy là người ta A.Q ra thế chứ tôi thấy phàm những bọn hay hát đều hát hay cả bởi đó hẳn là sự luyện tập chuyên cần rất tự nhiên và nếu có thêm chút gọt rũa kỹ nghệ trong trường lớp nữa thì phần đa đều rạng danh cả. Tất nhiên là trừ thằng Lệ Rơi ra bởi nó không hát, mà là gào thét hú hét. Đó hẳn là một sản phẩm lỗi của những thị hiếu tồi tàn đến mức quái thai.
Tôi thích dòng nhạc bolero, thứ nhạc mà quần chúng bình dân gọi là nhạc vàng, nhạc sến. Chẳng phải do tuổi tác đâu, mà từ mới lớn đã thích rồi. Ấy là khi tôi va phải bản “ được tin em lấy chồng” của danh ca Ngọc Sơn veo véo trong tiệm café khuất nẻo. Chao ôi, giữa một cái thằng tôi đang tương tư cô nàng cùng lớp thì bài hát đó gợi cho tôi nhiều đớn đau mà mất mát kinh hoàng.
Đi đại học, tôi ra sức trau dồi để làm sao hát hay được như thần tượng. Cơ mà tập tành, bắt chước mãi mà không có dịp thể hiện với cần lao đồng bào kể cũng chán, đâm ra cũng bớt đi chuyên cần. Thay vào đó là rình mò những đợt văn nghệ của trường, của khoa và cả của lớp đăng ký thi để khoe giọng. Có đận đăng ký thi cả ở nơi trọ học khi khu phố tổ chức văn nghệ về phòng chống chó cắn và tiêm phòng dại. Nhưng hỡi ôi, đâu người ta cũng đuổi vì tuyền bài lạ, lại buồn nhão ra, không hợp chủ đề. Thế nên mồm cứ mãi vêu vao vì thèm hát.
Thất thiệt ở những trận đánh lớn nhưng xem ra ở những trận đánh lẻ lại rất ăn thua. Ấy là việc tôi hát tặng các bạn bè trong những đám sinh nhật của một thời sinh viên đói khát. Gớm chết chết, bọn liền bà con gái cứ vê gấu áo mà dấm dứt sụt sùi, nhiều em trong nông nỗi phút giây đặng chẳng kìm lòng mà phun ra vô vàn những thiết tha thầm kín. Chỉ xót xa cho cái thằng tôi là mỗi khi thế lại bồi hồi không ngủ được bởi cứ nghĩ mình sắp thành thiên tài đến nơi hoặc chí ít cũng găm được bóng hình vào trong tim của vài cô nàng đỏng đảnh.
Mỗi người đều có gu âm nhạc riêng cho mình. Thì như tôi đây, hát và nghe rặt một thứ bolero ảm đạm. Ấy thế mà khi nghe anh Trung trọc aka nhạc sĩ Quốc Trung phán trên báo chí, rằng thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường thì tôi cũng chả động lòng lắm vì nghĩ mình đã trung niên. Với lại ngẫm kỹ những gì anh ấy nói thời cũng có lý nhưng cái lý của tôi ở đây là, âm nhạc – đàn bà và thức ăn là ba thứ hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị của từng người. Nếu thấy ngon, xin mời các bạn cứ tự nhiên mà đánh chén.
Nhưng thú thực là tôi không tiêu hóa nổi những thứ được gọi là âm nhạc bây giờ dù đã từng há mồm ra đớp thử. Nhưng tôi tôn trọng những người “ ăn” được nó bởi như đã nói là hoàn toàn do khẩu vị. Và tôi luôn tin rằng, đời sống âm nhạc luôn có sự chọn lọc cơ học và tự nhiên, ấy là chưa kể khẩu vị có thể thay đổi theo thời gian và sức khỏe của mỗi người. Thứ đọng lại và tồn tại vĩnh cửu chính là những nhạc phẩm để đời, có thể đang nằm ơ hờ trên khuông hoặc đã trần truồng dương thế.
Bất giác, lại muốn chơi một canh dối già với http://www.mtrend.vn/mmc2016/video-chuong-trinh/