Khi tiếng kéo bễ của ông bố khò khè cất lên đều như chầu phách của những cô đầu già thì bọn tôi rón rén chân mèo bon đi tắp lự. Hướng trực chỉ là con sông nông giang sau nhà bởi tắm ở đấy sướng hơn vì có cây cầu đủ cao để nhảy đến đỏ bẹn và nước sâu vừa phải để không lo chết đuối. Chứ như con bến trước nhà thì mùa hạ nước đục mấy lị nếu có cơn mưa rào thì lênh láng lắm. Tắm táp chả khác đếch vờn nhau với thủy thần. Thiệt thân.
Gớm chết chết, ông bố tôi đến khéo ở cái món dậy bơi. Bằng chứng là giữa một trưa bắng nhắng ông vứt tôi xuống ao mặc cho giã cào cào, thế là biết bơi thôi. Chứ trước đó tôi nhát nước lắm, cứ thò chân xuống là thót hết cả hậu môn dù đã cho hàng tá chuồn chuồn ông Voi ông Điếu cắn cho lồi rốn. Và sau cái đận đó, trưa nào tôi cũng trốn nhà ra sông để thỏa chí tang bồng. Cái cảm giác được vẫy vùng trong nước mát và nổi lêu bêu dưới nắng hạ chói chang thú vật vô cùng. Sáu tuổi nhưng tôi đã nghĩ mình là bố tướng.
Chả hiểu sao trưa ấy bến sông vắng lặng, tịnh chả thấy bóng dáng một ai. Tôi hơi có tí hoang mang. Nhẽ nào lũ đồng ấu mi ni đang bú ti mẹ cả? Rồi các bà các chị nhẽ ở nhà ngả giấc oi nồng và chổng mông ra hong ngoài song cửa sổ? Nhẽ đâu lại thế?Thường ngày đông đúc lắm cơ mà?
Một cơn gió lùa qua bất giác làm tôi ớn lạnh, chân dờn dợn toan quay gót đi về. Nhưng hẵng còn tiếc nuối cái công trốn nhà bêu nắng tắm sông nên đăm mắt thiết tha lần cuối. Trong màu trắng loang loáng của mặt nước, phía cây cầu có hai chỏm tóc đen đen đang dập dềnh xoắn xuýt lấy nhau kẹt cứng ở mố trụ. Trong trí óc non nớt của tôi thì đó không phải là trò nghịch dại mà đích thị là một tai nạn thương tâm. Tôi be ầm lên.
Hóa ra người làng tôi đều biết cả. Nhưng chả ai đủ can đảm để vớt hai cái xác ấy lên cũng như đủ đức độ để đẩy nó xuôi đi chỗ khác.
( Trích tùy bút BÊU NẮNG - xuất bản tháng 6/2017 )
***
Từ đây đến thị xã Lai Chu còn đúng 76km nữa, bấm độn thì chỉ quãng hơn một tiếng là tới nơi. Bọn tôi thong thả trêu con chó, ăn hết đĩa cam rồi mới túc tắc lên đường.
22h tới Lai Chu. Thị xã miền biên viễn mới được xây dựng khi tách tỉnh đón chúng tôi trong sự vắng lặng đến tê người. Khách sạn Mường Thanh buồn đời chào chúng tôi với tấm bảng tên nhấp nháy như răng bô lão đang thay, chiếc đực cái lung lay mẻ khủa nên cũng có nét giống răng của những anh hề.
Bữa sáng ở khách sạn mà ngao ngán. Thực khách dúm dó trong cái lạnh vùng cao, vật vờ đi gắp từng chút thức ăn nghèo nàn tủn mủn. Bọn tôi cũng nhao ra vớ bát đũa mà khua khoắng liên hồi. Tôi chốt món cơm rang, dặm thêm ít bắp cải xào cho mềm họng. Thằng Bôm Bốp thì đủ loại bún miến phở mì, cài thêm đôi trứng trần. Chúng tôi chụm đầu ăn, hì hục như trâu húc mả. Rồi thằng Bôm Bốp á lên một tiếng, mặt nhăn môi trề, tay chu đáo lôi ra từ miệng sợi đen đen quăn tít. Nó nắn nót nhâng ngang tầm mắt, rồi trịnh trọng phán: " nông nồn". Tôi phòi hết cả cơm rang ra bàn. Không phải nôn mà buồn cười muốn chết. Mấy cô em phục vụ chẳng hiểu ất giáp mô tê cứ ất ơ lượn lờ điều nghiên khó hiểu.
Trưa đi ngoại giao với thằng Bôm Bốp, đến nhà một đàn anh cánh hẩu làm ăn, chuyên nghề thầu khoán, dân Nam Đệnh chính tông. Lên đây mới biết chỗ của con đồng bào là những chốn cao cao, chứ bờ xôi ruộng mật tuyền Kinh tộc miền xuôi mạn Nam Đệnh, Thái Bềnh trấn giữ. Chúng khôn như rận nhưng vì cái địa dư mà trông ra cái vẻ ngô ngố thật thà.
Thằng Bôm Bốp có phong cách ngoại giao sản vật. Bằng chứng là nó mang đến vài trăm quả nem chua đặc sản quê hương. Chưa hết, lại còn cả mấy xách nước mắm đóng chai theo lối cổ truyền. Theo như nó nói, nguyên lý của phong cách ngoại giao này là " của một đồng - công một nén", rất chi là ăn thua. Tất nhiên đi kèm với những thứ dân dã đó là đôi chai Chivas sứ 21 tuổi và cái phong bao lưng lửng những đô - la.
Đàn anh cánh hẩu biện cỗ đãi tại nhà, tuyền thứ trứ danh nhưng tôi chả xơi được miếng đếch do bị chuốc diệu đến tối tăm mặt mũi. Diệu đàn anh đãi là thứ nước trong leo lẻo đóng chai Lavie nửa lít có cái tên khá độc: diệu ủy ban. Đây là thứ diệu chưng cất riêng cho cán bộ địa phương và doanh nghiệp máu mặt tiếp khách. Nghe quảng cáo là uống say êm và không đau đầu, lại khỏe như trâu. Thảo nào mà TP.HCM cũng thi đua có thứ diệu này, tên hơi khác là diệu thành ủy. Không biết miền ngược học miền xuôi hay miền xuôi theo đuôi miền ngược?
Cả buổi tôi chả há mồm nói được câu gì, vì chưa mở miệng ra thì đã có ly diệu kề môi chực đổ vào họng với đủ những thứ lý do thần thánh. Mà đâu phải ít người, chốc chốc lại có một ông đầu bù răng bựa tạt mâm, tự xử ba chén rồi lại mời một chén. Kinh nghiệm uống diệu vùng cao chỉ ra rằng, nếu bạn không muốn chết tại mâm thì hãy uống thứ gì nhẹ nhàng hơn và tìm cơ hội phun ra nếu có thể. Hoặc giả khấn giời lạy đất cho ông nào đó trúng gió hay tai biến mà giải tán cuộc vui. Không là chết!
( Trích HUYỀN ĐỀ - du ký trào phúng - xuất bản tháng 1/2017 )