Tôi lớn lên vào kỷ bao cấp, mọi nhẽ nhà nước nghĩ hộ làm thay và quần chúng chỉ mỗi cái việc ngoan ngoãn như bầy cừu trong nông trại. Quốc gia đói lả như ả đào thiếu hơi á phiện và nhân dân gày trơ xương như ngan ấp mẻ trứng con so. Tôi líu lo được đến tận ngày hôm nay, ngoài gánh hàng xáo của mẹ là nồi rượu lậu của bố.
Các bạn đừng băn khoăn về cái việc đói kém thế thì lấy đâu ra thóc gạo mà nấu rượu. Cơm có thể độn ngô độn sắn thậm chí nhịn ăn nhưng nồi rượu lậu không phải là vấn đề giá kể bởi suy xét đến tận cùng thì đó là thứ cao lương mỹ vị tinh túy nhất được chắt lọc ra để ru đời phê pha và phần bã dành cho lợn gà chó má. Ấy là những nhà nấu có tính chuyện nghiệp, chứ tay mơ hàng tháng cũng bắc lấy đôi nồi đặng cho bữa cơm thi thoảng có chút cứt cá lá rau thêm phần cay đắng và việc giỗ chạp có thứ để biện lên bàn thờ cho các cụ tổ chóng hiển linh. Thần tình là thế nên thời đó nhà nhà nấu rượu, người người nấu rượu. Và rượu đó gọi là rượu lậu bởi nhà nước đã ban bố thông tri cấm kị tự lâu nhưng vẫn có những mạch ngầm cay nồng chảy xuyên suốt trong lòng quốc dân nhiều buồn bã mà nếu không có rượu thì còn lâu mới ngả ngến được với đời.
Trước thì bố tôi nấu kiểu tay mơ, mục đích là lấy bã chăn lợn. Kiểu nấu du kích này phù hợp với tâm thế của một ông giáo làng bởi nếu có bị phát hiện thì bọn quản lý thị trường chúng cũng bỏ quá đi cho. Chứ mà ra hệ thống cống rãnh thì bị tịch thu và ăn phạt ốm đòn, tái phạm còn đi tù như bỡn. Cái thanh danh ông giáo dù sao cũng được vị nể và bảo kê được cho nồi rượu lậu hàng tháng cất đôi lần.
Cách thức bố tôi nấu rượu hệt kiểu người ta thực hành một tín ngưỡng hết sức cao siêu. Định ngày thổi cơm là ông ngó giời ngó đất xem có cao xanh rồi thắp thẻ hương cho khói vờn nhật nguyệt rồi mới vo gạo, kín nước, bắc nồi. Cơm rượu phải nấu cho thật khéo, không nhão không khê và tứ bề phải chín. Sau đó đổ ra một cái nia thật sạch, hong cho nguội và bóp tơi ra. Men được giã trong cối đá, tỉ nẩm cẩn mật như các bà các mẹ nêm cối giầu không. Rắc men lên cơm và trộn đều rồi cho vào nồi ủ, rồi bấm tay độn toán ba đến năm ngày là rượu cái thức giấc nồng nàn. Đổ dăm bảy gáo nước vào rồi lại thao láo canh me chừng ấy thời gian nữa là có nồi tiền chất rượu tinh tươm. Chẻ củi bắc bếp cắm ống và đóng kín cửa trước cửa sau là rung đùi ngồi chiêm bái từng giọt thánh thót la đà.
Tôi luôn được bố ưu tiên cho việc này. Chả phải tại tôi cẩn thận củi lửa hay gì đâu, việc của tôi là lợn gà cám bã nhưng từ đận thằng thứ ba ngồi canh mút mát hết nửa be sành rồi say lăn quay nơi xó bếp thì tôi mới được hân hạnh thế chân. Theo cái lý của bố tôi, một nồi rượu ngon đều phải qua tay đàn ông cả, chứ đàn bà đụng vào là chua hoặc khê ngay, kể cả khi ngồi canh lửa.
Thường thì mỗi nồi rượu cất được khoảng ba chai 65 ml. Chai đầu trong veo như mắt mèo, tăm li ti gợn lên từng tí. Chai thứ hai cũng trong, nhưng theo cái lối của một tráng niên mù dở quáng lờ. Chai thứ ba đục ngầu như mưa ngâu thềm cũ, nhiều bận không rút sớm ra thì bã hèm nó cũng đấm thèm.
Để có thứ rượu thành phẩm thơm tho mà ru đời thì việc pha chế theo một tỉ lệ nhất định là bắt buộc. Đó hầu như tùy thuộc vào sự mát tay và bề dày kinh nghiệm, nói cho ra cái vẻ ta đây thì là bí kíp gia truyền. Rượu được cho là đạt phải có độ cồn quãng 35 – 40, uống vào đằm và êm và say môi phải mềm chứ không khô cong như bưởi bòng tháng tám.
Nêm nếm nhiều nên bố tôi chiêu rượu càng thêm bất tử, ngày nào cũng đôi bận ra thụt vào thò. Cơ số rượu nấu theo kiểu du kích tay mơ đã đến lúc không đủ cho ông súc miệng. Cùng với việc gia tăng lợn gà mà nồi bã hèm tháng chua đôi lần bỗng chốc bốc khói quanh năm. Bố tôi chuyển hẳn sang nấu rượu chuyên cần với tinh thần nhất vị thân, nhị vị dân, tam vị lợn. Diễn nôm ra thì trước là để dùng, sau thời để bán và cuối cùng là lấy bã chăn thả lợn gà. Thật là một thói nết na không biết là cẩu thả hay danh giá?
Phép vị thân của bố tôi vị nhân sinh đến độ sáng nào cũng ngửa cổ dốc một hơi hết nửa cốc Liên Xô rồi mới nhúc nhắc tằng tặc con Phượng Hoàng lở loét đến trường. Sẵn hơi rượu, ông thuyết những thứ mê man và lan tràn mà tịnh không sách vở nào giáo huấn. Học trò có thắc mắc thì ông phán rằng, giáo khoa thư là những thứ người ta viết ra, thày đi mạc lại thì quả là mất nết và trò theo đó mà dạ chẳng sáng thêm. Thế nên phải giảng những thứ của cuộc đời, có thể rất giời ơi và cũng có thể là…đất hỡi.
Phép vị dân mới muôn phần rực rỡ bởi rượu nhà tôi ngon có tiếng một vùng. Ngày nào cũng rầm rập chân người với đủ các thể loại can chi, à quên, can chai be lọ, thụt thò như buôn bạc giả. Mẹ tôi đong rượu khéo như cách bà đong lúa hàng xáo vậy, bao giờ cũng dôi ra tý chút cho những khuôn mặt cau có hằm hè bớt thè ra những lời nghiệt ngã. Vật ngang giá để đổi lấy những giọt nồng cay không nhất thiết phải là tiền, mà có thể là cân thóc bơ gạo, đôi khi là tép mì chính, thậm chí là vài chục cân vôi tôi để đến tết sơn phết lại cửa nhà. Thật là một nết thị trường hồn nhiên và trong sáng vô biên.
Béo bổ nhất nhẽ cái đám lợn gà. Bã hèm từ nồi rượu lậu của bố và cám từ gánh hàng xáo của mẹ làm chúng mượt lông đỏ da phà phà tăng trưởng. Vào cái thời lợn nuôi người thì đó hẳn là một sung sướng vô tiền khoáng hậu nhưng cũng rất đỗi xót xa cho thân phận mỗi nhà.
Công nghiệp rượu lậu sẽ trở nên mỹ mãn nếu như không có một ngày dân quân xã gô cổ ông Sinh Cố, một bô lão kháu khỉnh nhưng nát rượu ở làng bên. Cả tổng không ai lạ ông bởi trưa nào mặt cũng thâm tía như chọi thất trận và chân thời vẹo vọ như cò không xương đánh võng mặt đường mà ra rả đọc ve đọc vè. Tinh những thứ vui vẻ cả, thi thoảng mới có tí trái tai, tỉ như “Việt nam dân chủ cộng hòa / Ruộng vườn mất trước trâu bò mất sau”. Mỗi bận ông xuất hành là lũ trẻ bu lấy đằng đuôi, đọc theo ông những vần vèo rồi trèo cây ném đá và phá lên cười khành khạch. Sự ấy diễn ra đều như gà gáy sáng, hàng mấy mươi mùa rồi, từ khi ông hẵng còn tráng niên chứ không phải lúc trở về già mà mất nết. Nghe đâu ông là con địa chủ, vật đổi sao rời nên sinh ra nhiều nông nổi và chìm vào bóng tối hoang mang. Thời may ông còn kịp vịn vào rượu mà say cho quên ngày quên tháng, chứ không đã phiêu bồng cõi cô đồng lảo đảo hanh hao.
Chả biết ông uống cái giống rượu gì mà lại đổi tông từ vần vè sang chửi đổng. Ông chửi vống lãnh đạo từ hàng tổng đến hàng huyện rồi lại vòng về đào mả hàng xã lên mà tế. Sự thể càng quá đáng khi ông moi những lãnh tụ lập ra cái chính thể dân chủ cộng hòa ra mà rủa xả không biết kiêng khem. Khá khen cho ông khi dám cả gan bẻ liềm nuốt búa nhưng ai cũng ái ngại mà rằng, chấp mẹ gì thằng say.
Nhưng chính quyền họ không nghĩ thế bởi say như ông thì ai cũng muốn say. Say khôn và chó chực bãi nôn mãi mà không có thì đích thị là cái lối mượn rượu chửi người rồi. Mà hỡi ôi, tinh những anh minh lẫm liệt cả.
Chả hiểu hết hơi men thì tỉnh hay ăn mấy cái báng súng vào đầu mà ông khai uống rượu nhà tôi nên ra nông nỗi. Chứ như rượu của thiên hạ thì chỉ mỗi hát ca. Người ta lập một đoàn kiểm tra và “hạ thổ” công cuộc rượu lậu của bố tôi không thương tiếc. Thánh họ, thôi thì sinh nghề tử nghiệp vậy bởi phàm những ai nấu rượu thời đều có thể chết dưới tay của những thằng say. Nhưng say theo kiểu ông Sinh Cố thì Lưu Linh phải kêu bằng Bành Tổ. Mẹ kiếp, đã nốc rượu lậu mà lại còn chửi bới công khai là cực kỳ quái thai ngâm dấm.
Và nếu như không có cơn tai biến nhẹ, thì bố tôi nhẽ cũng thành một ông Sinh Cố trứ danh. Khi rượu chẳng còn ru được giấc nồng cay thì nó biến chúng ta thành những thằng say bất hủ và sinh hoạt trên nóc tủ trường kỳ.
Nhất là ở cái thời nay, quốc gia này luôn ở ngôi soái ca của những la đà hàng tỷ lít.
***