Ngày Google+ sập tiệm, bạn tôi nhắn tin hỏi không biết bao giờ mới tới lượt Việt+. Hỏi phong long vậy thôi, ai ngờ bây giờ Ban Tuyên giáo TW lại đẻ ra mạng VCNet. Tôi đoán Vờ Cờ nghĩa là Việt Cộng, một cái tên đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng nghe đồn ban đầu tên là Vờ Cờ Lờ, nhưng sau đó, vì cái Lờ đã bị cấm ở Việt Nam, thế là chỉ còn lại Vờ Cờ.
Tôi không có số điện thoại để đăng ký dùng thử, nhưng xem review trên Yahoo! Answers thì thấy có rất nhiều sáng kiến độc đáo.
Chẳng hạn như người dùng Vờ Cờ không kết bạn, mà kết đồng chí, khi nào đau bụng có thể dìu nhau vào nhà nghỉ cởi đồ nằm ôm nhau cho ấm. Chính Hữu đã viết rồi còn gì, "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ. Đồng chí!".
Với lợi thế sân nhà, mạng Vờ Cờ còn tích hợp rất sâu, hun hút luôn, với các dịch vụ chính phủ điện tử. Nhân dân cần lao có thể nhắn tin trực tiếp cho công an phường, chỉ bằng cách viết lên tường nhà. Muốn gì cứ viết lên đó, mai phường sẽ xuống giải quyết luôn, thuận tiện đến thế là cùng.
Điều quan trọng nhất là mạng Vờ Cờ chỉ có tin thật, không có tin xấu, tin giả, tin độc, tin hại, những loại tin như vậy đều phải đập mặt làm lại nếu muốn được đăng. Cái gì hiện hồn lên Vờ Cờ là đúng, không có trên đó tức là sai, đơn giản như tôi là Maria. Người dùng không cần phải suy nghĩ, kiểm chứng mỗi khi tiếp cận tin mới, tiết kiệm được biết bao nhiêu thời gian và trí não còn gì.
Về mặt lý luận, nếu như Facebook chỉ là một mạng xã hội bình thường thì Vờ Cờ là mạng xã hội chủ nghĩa. Thêm hai chữ chủ nghĩa thôi nhưng đây là một cuộc cách mạng về triết lý. Triết lý của Facebook đã lỗi thời hay chưa tôi nghĩ cứ nhìn giá cổ phiếu là biết, nhưng triết lý của Vờ Cờ sau khi vô tình qua được thời kỳ quá độ, có lẽ đang tiến nhanh tiến mạnh lên thời kỳ quá cố và sắp đoàn tụ với Google+.
Vờ Cờ chết chưa kịp chôn thì nhiều doanh nghiệp tư nhân đã hăng hái đẻ ra hàng loạt mạng xã hội khác. Tiền của họ, họ thích thì họ làm thôi. Vả lại, có thêm mạng xã hội cạnh tranh với Facebook cũng tốt. Tôi nghĩ Facebook cần có một đối thủ đáng gờm để có động lực phục vụ người Việt Nam tốt hơn. Tôi chỉ thắc mắc, nếu nội dung là vua, người dùng là hoàng hậu, thế thì ai sẽ là thái giám? Nếu bạn biết câu trả lời, hãy nhắn tin đến số 1984 để nhận phần thưởng là một cái kéo.
Nghiêm túc mà nói tôi nghĩ người Việt Nam phải cẩn thận với mạng xã hội của Việt Nam.
Người Mỹ có thành ngữ "san phẳng sân chơi" (level the playing field), ý nói muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Bình đẳng ở đây không có nghĩa là bình đẳng đầu ra, tức là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu theo chủ nghĩa cộng sản duy lý nhã kỳ, mà cũng không có nghĩa là bình đẳng đầu vào, vì không có cách nào khiến người sinh ra ở Chắc Cà Đao cũng có nhiều cơ hội như người sinh ra ở Sài Gòn. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về luật chơi.
Luật chơi ở Việt Nam có thể tóm gọn trong bốn câu vè mà ai cũng đã từng nghe:
Thứ nhất hậu duệ
Thứ nhì quan hệ
Thứ ba tiền tệ
Đứng chót trí tuệ
Bao nhiêu bất công, oan trái, trì trệ của xã hội có thể truy ra nguồn gốc từ luật chơi oái ăm này. Vụ án nâng điểm ở Hà Giang là một ví dụ.
Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam. Ở đâu và thời nào thì người có tiền, có quyền và có quan hệ cũng muốn thay đổi luật chơi theo hướng có lợi cho họ, nhưng một xã hội thông minh sẽ thiết lập các thể chế để ngăn chặn, phát hiện và xử lý bọn chơi ăn gian. Họ sẽ có tam quyền phân lập. Họ sẽ đặt chính phủ dưới sự kiểm soát của các đảng phái chính trị đối lập. Họ sẽ có những tờ báo độc lập, những tổ chức xã hội dân sự để kiểm soát chính quyền và tất cả những ai muốn chơi xấu. Việt Nam thiếu tất cả những thể chế như vậy, thành ra chúng ta chưa bao giờ có một sân chơi bình đẳng.
Mọi chuyện chỉ thay đổi cho đến khi Internet, Facebook và YouTube du nhập vào Việt Nam. Lần đầu tiên trong vài chục năm qua, người Việt Nam có một sân chơi mà trí tuệ là tiêu chí hàng đầu. Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, Facebook và YouTube ở Việt Nam đã phát triển vũ bão, vô tình trở thành phe đối lập đe dọa "sự lãnh đạo tài tình sáng suốt" của cái đám hậu duệ-quan hệ-tiền tệ. Có thể nói không ngoa, đây là sự thay đổi đáng kể nhất ở Việt Nam kể từ ngày đổi mới.
Tôi nói vô tình vì Facebook và YouTube cũng chỉ muốn kiếm tiền thôi, họ không quan tâm đến Việt Nam lắm đâu, nhưng đây chính là mấu chốt. Vì họ không quan tâm và không có "skin in the game" nên luật chơi của họ công bằng. Ai có tài năng, người đó sẽ có đám đông, luật chơi chỉ đơn giản vậy thôi. Facebook cung cấp cho người Việt một diễn đàn, nơi mà ai cũng có thể lên tiếng và được lắng nghe. YouTube chẳng cần quan tâm bố bạn là ai, chỉ cần bạn sáng tạo, YouTube sẽ cho bạn một sân khấu với hàng trăm triệu khán giả.
Một mạng xã hội "Make in Vietnam" cũng có thể cung cấp một diễn đàn hay một sân khấu như vậy, nhưng tôi e rồi nó cũng sẽ bị lũng đoạn bởi tiền-quyền-quan hệ như bao thể chế khác ở Việt Nam. Cứ nhìn vào hệ thống báo chí hay truyền hình, chúng ta sẽ hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Không thích nội dung nào ư? Gọi điện thoại nhờ gỡ bài. Nhờ không được thì đút tiền, đút tiền cấp thấp không được thì mua cấp trên. Quan trọng nhất là một sân chơi nằm trong tầm kiểm soát của đám hậu duệ-quan hệ-tiền tệ sẽ không có động lực tạo ra sự công bằng, hay bất kỳ mối đe dọa nào đến vị trí của họ. Tất cả những gì họ làm là để giữ một sân chơi có lợi cho họ, làm mạng xã hội cũng không nằm ngoài mục tiêu đó.
( Theo blog Thái )