Quantcast
Channel: Phọt Phẹt
Viewing all articles
Browse latest Browse all 444

LỊCH SỬ - CẦN LẮM NHỮNG CÂU CHỬI THỀ.

$
0
0


By Lê Như Hùng - Dẫn về từ blog Beo Hồng.

Stt này tôi viết để tưởng niệm những người lính đã hy sinh hay may mắn còn sống vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh hào hùng và bi thương, những người đã làm nên thống nhất đất nước!

"Tôi đi bộ đội năm 73, tháng 6 năm 74 là đã vào tới miền Đông Nam Bộ, thuộc trung đoàn đặc công 116, sư đoàn 2, bộ tư lệnh Miền. Đặc công rừng Sác cũng là một đơn vị thuộc sư đoàn này. Về sau thì thuộc quân khu 7. Năm 77 thì sư 2 này bị giải tán, tôi di chuyển 2 lần sang hai phiên hiệu sư đoàn nữa, công việc không còn là đặc công mà chủ yếu trông coi đám lính ta bị kỷ luật phải đi rèn luyện. Năm 85 tôi đã là đại úy, về sau tôi từ chối nhận quân hàm thiếu tá và về nghỉ chế độ thương bệnh binh vào năm 90. Tôi cũng từng từ chối việc được cử đi học an ninh ở CHDC Đức. Giờ tiền chế độ thương tật hàng tháng của tôi chỉ có hai triệu, quá thiệt thòi; đám lính ngày xưa làm liên lạc cho bọn tôi năm 76 giờ có mấy thằng thiếu tướng, một đứa đang là tư lệnh phó quân khu 7, đứa khác trước là chỉ huy trưởng bộ tư lệnh thành phố đã chuyển đi đâu không rõ, cái đứa hiện chỉ huy trưởng cũng thế... Mấy hôm nay thấy ti vi chiếu hết nhân chứng lịch sử này đến nhân chứng lịch sử kia kể chuyện về những giờ phút cuối cùng trước khi ta cắm cờ trên dinh Độc lập, nhưng tôi thấy không trúng, có nhiều cái nhảm... Tôi là một trong 4 người lính trung đoàn 116 ngồi bám trên chiếc xe tăng thứ 2 vào dinh, chiếc xe 843 này là rẽ trái sau khi qua cổng..."

"Mãi tới ngày 26 đơn vị tôi mới được biết là sẽ giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi chính là đơn vị đánh chiếm căn cứ Long Bình, một căn cứ nữa giờ là nơi của trường sỹ quan lục quân 2. Đêm 28 thì tự nhiên mới thấy xe tăng và thiết giáp không biết ở đâu ra mà nhiều thế, là xạ thủ B40 suýt nữa thì tôi đã tương vào đoàn xe vài quả. Lúc đầu đám lính bọn tôi kháo nhau, cứ bảo quân ngụy suy yếu té ra chúng còn đầy ra kia, về sau qua pháo sáng thì mới phát hiện ra dải băng đỏ trên cánh tay và cờ xanh đỏ, trời... quân chủ lực mình! Trung đoàn 116 trở thành đơn vị phối thuộc hợp đồng tác chiến... Chúng tôi được phân chia bám theo xe tăng từ lúc ấy. Trên chiếc xe 390 cũng có 4 người đơn vị bọn tôi... Tôi cũng là một trong số không nhiều người của trung đoàn 116 được giao cầm cờ giải phóng, lúc đó những anh cầm cờ phải là lính có nhiều thành tích chiến đấu. Tôi lẽ ra là người đầu tiên cắm cờ trên nóc dinh độc lập, vì tôi là thằng lính cầm cờ có mặt đầu tiên trên nóc sân thượng dinh Độc Lập vào lúc hơn 10g sáng ngày 30-4-1975 đó!"

"Từ ngã tư Biên Hòa vào trung tâm Sài Gòn phải qua mấy chiếc cầu, trong đó trận Rạch Chiếc là rất ác liệt, cũng do một đơn vị đặc công khác của sư đoàn 2 đánh và giữ từ một hai ngày trước. Từ ngã tư Thủ Đức vào thì không phải là không còn ác liệt, nhất là ở cầu xa lộ Biên Hòa, ở khu vực đó tôi còn phải bắn tới 2 quả B40 cơ mà. Thực ra đoàn xe tăng của trung đoàn 66 (quân đoàn 2) đã bị bắn cháy gần chục chiếc nên 2 xe 843 và 390 mới thành dẫn đầu. Hình ảnh kinh hoàng nhất là chiếc xe tăng ta bị bắn cháy ngay trước chân cầu Sài Gòn, cách một đoạn thôi. Các chiến sỹ xe tăng ấy khi bật nắp nhào ra là những quầng lửa, chắc đó là những người lính chủ lực cuối cùng hy sinh ngay trước khi ta chiếm dinh Độc Lập! Ngay thời điểm đó còn có 2 máy bay của địch định ném bom phá cầu Sài Gòn, nhưng vì hỏa lực quân ta, nhất là 12 ly 7, nên chúng đã ném bom chệch sang bán đảo Thanh Đa. Thật không biết, nếu chúng ném bom trúng và cầu Sài Gòn bị sập, thì diễn biến giải phóng Sài Gòn có thể sẽ khác vì quân địch vẫn còn đông và mạnh lắm..."

"Khi các xe tăng chúng tôi vượt lên tiến qua cầu Sài Gòn thì đã có biệt động thành xuất hiện dẫn đường ngay, chứ không có chuyện lạc đường hay không ai biết đường! Các chiến sỹ biệt động cũng là của sư đoàn 2 chúng tôi đã cài cắm và ém vào nội thành trước đó vài ngày rồi! Khi vào được dinh Độc Lập, xe 843 của chúng tôi có hơi vướng cổng rồi sau đó rẽ hướng vòng trái vào dinh, tôi nhảy xuống cầm cờ nhào vào. Một nữ biệt động dẫn tôi chạy theo cầu thang bộ lên nóc dinh. Khi tôi chuẩn bị cắm cờ (treo cờ) thì nữ đồng chí biệt động hỏi "đồng chí thuộc đơn vị nào?", tôi đáp "đặc công Miền, trung đoàn 116, sư đoàn 2". Nữ đồng chí biệt động ấy bèn ngăn lại "tuy cùng sư 2 với đồng chí, nhưng đồng chí không được phép cắm cờ đâu, chúng tôi đã nhận được lệnh trên là chỉ có lính của quân đoàn 2 mới được cắm cờ trên dinh Độc Lập thôi!" Là lính, phải chấp hành mệnh lệnh, phải tuân theo mỗi chỉ dẫn của biệt động thành, chúng tôi đã được phổ biến như thế từ ngày 28... Vậy là tôi lại đi xuống dưới sân dinh Độc Lập..."

"Xuống tới tiền sảnh đã thấy quân ta xua đám ông Dương Văn Minh ra ngồi bệt hai ba hàng ở bậc lên xuống trước dinh rồi, tay lính nào cũng lăm lăm súng trên tay. Một phóng viên người Pháp tiến tới phỏng vấn tôi, trả lời được hai ba câu thì chỉ huy tiểu đoàn tôi vừa mới kịp vào dinh, tiến tới ra hiệu cho tôi không được trả lời nữa. Phóng viên người Pháp đó nói tiếng Việt rất sõi... Khi quân ta dẫn ông Minh sang đài phát thanh thì đơn vị tôi lại tập hợp để đi đánh chiếm Tổng nha cảnh sát, sau rồi lại quay về chiếm giữ đài phát thanh. Tối hôm đó, 30-04-1975, đơn vị tôi về đóng giữ cư xá Đô Thành..."

"Mãi đêm hôm đó, ở cư xá Đô thành, chúng tôi mới được bữa cơm no, do người dân quanh đấy thổi rồi mang tới cho ăn. Từ hôm 26 đến tối hôm đó chúng tôi ăn uống linh tinh chả thành bữa, riêng ngày 30 ăn từ sáng sớm rồi mải đánh nhau mãi tới tối mới có bữa... Đêm đó, tại cư xá Đô Thành, đơn vị chúng tôi còn xem được ti vi Sài gòn phát đoạn phim quay có cảnh tôi cầm cờ chạy lên nóc dinh Độc Lập mà không được cắm, có cả bóng cô biệt động kia nữa..."

- Có nhiều nhân chứng chứng kiến việc bác cầm cờ chạy lên nóc dinh Độc Lập theo sự chỉ dẫn của nữ biệt động kia và rồi không được phép cắm hay không?

- Nhiều chứ! Ít nhất là 8 đặc công 116 chúng tôi bám theo trên 2 chiếc xe tăng 843 và 390, cô biệt động thành, nhà báo Pháp... Khi tôi từ nóc dinh xuống thì trung đoàn 116 của chúng tôi vào dinh đã nhiều, họ đều biết chuyện này...

- Đồng đội cũ cùng trung đoàn của bác còn nhiều không? Các bác có hay gặp gỡ nhau không?

- Có chứ! Bọn tôi vẫn gặp nhau thường xuyên, nhất là 8 thằng thân nhau lắm... Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi vẫn hồi tưởng lại nhiều chi tiết của ngày 30-4 năm ấy mà chính sử chưa thấy nhắc tới bao giờ...

- Bác nghĩ sao về việc mình không được phép cắm cờ hồi ấy? Sao bác không cắm liều đi, cho dù cô biệt động có cấm cản?

- Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản mình là lính của đơn vị phối thuộc cho quân đoàn 2, lệnh cấp trên là phải tuân thủ chấp hành thôi. Và nói thật, lúc vào chiếm được dinh Độc Lập rồi, chúng tôi không hề nghĩ việc mình hay ai cắm cờ lại trở thành nhân vật của lịch sử, con người của lịch sử cả. Chỉ nghĩ đơn giản thế là sắp hòa bình rồi, sắp khỏi phải đánh nhau rồi, đất nước sắp thống nhất rồi... Về sau có nghĩ, nếu mà lúc ấy tôi cứ làm bừa đi thì có lẽ đời mình sẽ khác hơn, sẽ khá hơn... Nhưng tại lúc đó không nghĩ được như vậy!

- Ai có thể là nhân chứng, bằng chứng cho những gì bác kể?

- 8 anh em và toàn bộ đặc công trung đoàn 116 có mặt tại dinh Độc Lập lúc đó, cô biệt động dẫn tôi chạy theo cầu thang bộ lên nóc dinh chắc vẫn còn sống, nhà báo người Pháp kia, người nào đó đã quay đoạn phim phát trên ti vi Sài Gòn đêm ấy và bản thân đoạn phim đó...

- Bác có gì nói thêm nữa không ạ?

- À, mấy tháng sau thì các đơn vị vào dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, hình như vào lúc 10g23p, có tập và diễn lại để quay phim, đơn vị tôi cũng có tham gia, nhưng khi họ chiếu lại bộ phim được gọi là tài liệu này thì tôi không nhận ra mình và đơn vị ở đâu cả. Nói thật nhá, diễn cả đấy, quân ta lúc vào dinh Độc Lập không có quân phục sạch sẽ và đẹp đẽ như trong phim đâu...


Người cựu chiến binh có mặt tại dinh Độc Lập và không được phép cắm cờ đầu tiên lên nóc dinh là anh em đồng hao với một người anh học chuyên trước tôi một khóa cùng trường. Bác ấy hiện đang sống tại thị trấn Hoằng Hóa, Thanh Hóa và "rất ngại kể về một số chuyện của ngày 30-4-1975 mà mình là một trong rất nhiều nhân chứng, bởi vì các ông ấy đang nói khác..."

Tôi nghĩ, lịch sử nên khách quan và công bằng - các nhà sử học rất nên nghiêm túc và tôn trọng các sự kiện thực tế, sự kiện lõi. Nếu họ muốn tìm thì nhân chứng, vật chứng ngày 30-4 của 40 năm về trước hãy còn nhiều đó, đừng đợi cho tới lúc mọi thứ phôi phai đi hết thì chúng ta và con cháu chúng ta lại cứ phải chấp nhận nhiều chi tiết lịch sử ngụy tạo, "diễn để quay phim tài liệu". Và không chỉ mỗi ngày 30-4-1975.

***


Cuộc chiến Việt Nam, cũng được sử gia nước ngoài gọi là Cuộc chiến Đông Dương lần hai, thường được tính bắt đầu từ 1959 hay 1960 với các hoạt động du kích ở miền Nam Việt Nam và Lào, và kết thúc ngày 30/4/1975.

Đánh dấu 40 năm ngày kết thúc chiến tranh, BBC giới thiệu 10 dữ kiện quan trọng liên quan cuộc chiến Việt Nam và quan hệ Việt – Mỹ.

Chiến tranh Lạnh: Việt Nam Cộng Hòa phụ thuộc viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ.

Số lượng quân đội: Hơn 2.5 triệu lính Mỹ phục vụ ở Việt Nam – năm cao điểm là 1968 với 536.000 người. Năm 1973, khi Mỹ rút, ước tính quân lực Việt Nam Cộng Hòa là khoảng 700.000, còn Quân đội Nhân dân Việt Nam khoảng 1 triệu.

Số người chết: Hơn 58.000 người Mỹ và ít nhất 1.1 triệu người Việt thiệt mạng. Lực lượng các nước khác cũng có người chết, gồm hơn 4.000 lính Hàn Quốc.

Phía Mỹ: 47.406 người thiệt mạng trong chiến trận và 10.787 không do giao tranh – tổng cộng là 58.193 người.

Trung Quốc, nước gửi tổng cộng khoảng 320.000 người liên quan quân sự để giúp các tuyến đường vận chuyển và khẩu đội phòng không, đã có 1.100 người thiệt mạng và 4.200 người bị thương.

Các nguồn của chính phủ Mỹ ước tính tổng cộng lính Cộng sản Việt Nam thiệt mạng từ 1961 đến 1975 là 1.027.085 người, một con số mà giới chức Lầu Năm Góc cho rằng có thể bị phóng đại lên 30%. Nhưng Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Việt Nam ước tính con số bộ đội Cộng sản chết từ 1954 đến 1975 là 1.1 triệu.




Ước tính số người chết của quân lực Việt Nam Cộng Hòa là 254.257 người.


Cuộc chiến quốc tế: Ngoài Mỹ, một số nước cũng gửi quân tham chiến. Vào lúc cao điểm, có 50.003 quân Hàn Quốc, 11.586 từ Thái Lan, 7.672 từ Australia, 2.061 từ Philippines và 552 từ New Zealand. Trung Quốc cũng gửi sang miền Bắc lực lượng đáng kể, lúc cao điểm có 170.000 người, để giúp công binh, hậu cần và phòng không.



Không kích: Số lượng bom dội xuống Đông Dương hơn gấp đôi bom của quân Đồng minh thả xuống châu Âu và châu Á trong Thế chiến Hai.

Tăng nào vào trước? Hơn 20 năm sau ngày 30/4/1975, truyền thông viết xe tăng số 843 là chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Mãi đến giữa thập niên 1990, giới chức mới đính chính đó là xe tăng số 390.



Vũ khí tiêu biểu: súng AK-47, do Mikhail Kalashnikov sáng chế, gắn liền với cuộc chiến. Là vũ khí chính của quân đội miền Bắc và du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, khẩu súng sau này được các phong trào cách mạng quốc tế ưa chuộng.

Di sản tranh cãi: Mỹ từ chối yêu cầu của Việt Nam muốn Mỹ bồi thường cho những người bị nhiễm chất độc da cam. Trong các cuộc gặp mới nhất, Việt Nam vẫn đề nghị Hoa Kỳ tăng ngân sách cho các hoạt động tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.


Chia rẽ: Hơn 1 triệu thuyền nhân chạy khỏi miền Nam từ 1975 đến 1989. Đa số định cư tại Mỹ.


Bình thường hóa: Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ năm 1995 và loan báo đối tác toàn diện năm 2013. Thương mại song phương lên tới gần 35 tỉ đôla năm 2014.

Viewing all articles
Browse latest Browse all 444

Trending Articles