Quantcast
Channel: Phọt Phẹt
Viewing all articles
Browse latest Browse all 444

HỌC TRÒ TRƯỜNG HUYỆN.

$
0
0


Loan học cùng cấp 2 trường huyện với tôi, người như hạt mít, đít cong bụng ỏng mặt tròn, mắt thời như hai hạt vừng lép. Trông kỹ thì không thậm xấu, nhác qua lại có nét xinh tạo hình rối nước của ông thợ tồi. Nó học giỏi lắm, toàn năng luôn, trừ môn thể dục.

Nhà Loan khí xa trường huyện, mỗi bận đi học phải khởi từ tờ mờ sáng, bằng lối chân vẩy tay vung. Người thường đi mất khoảng hơn một giờ nhưng nó thường phải gấp đôi. Không phải vì ham hái hoa bắt bướm mà bởi chân ngắn tay đoản thêm cả nặng mông nên đâm ra lạch bạch. Bọn tôi ai cũng thương nhưng thân ốc không đeo được ốc thì huống hồ chuyện mang rêu. May có cô chủ nhiệm dạy văn khí xinh nhưng không hiểu sao muộn chồng bằng cách nào đó mà cho nó mượn cái xe đạp Cửu Long khung võng. Phải tội cái là mất gần nửa tháng nắm tay gảy chân thì nó mới đi được nhưng lề lối cũng chẳng giống ai, cứ tằng tặc đạp nửa vòng xích líp rồi lộn lại, mông nhấm nhẳng cấm có ngự được lên yên. Gớm, thật là chả khác chi con nhái mén bám trên tàu lá chuối.

Từ đận có cái xe đạp nó cũng chẳng đến lớp sớm hơn được bao nhiêu nếu như không nói là liên tục muộn học. Những hôm thế là đỏ mặt tía tai và gấu quần thì đen nhẻm do bị xích líp quấn vào, nếu kể thêm những hôm thủng săm hay sang vành thì bộ dạng trông còn kỳ khôi hơn nữa. Có bữa vào lớp khi trống điểm tiết thứ 4, coi như hết ngày.

Nó ngồi cạnh tôi, bàn đầu. Khi làm văn hay làm tính, thay vì ngồi mà biên ra thì nó phải đứng. Tất cả là do cái hình hài hạt mít kia gây ra. Nhớ hôm làm bài kiểm tra môn giáo dục công dân, đề ra “như thế nào thì gọi là dũng cảm và hãy kể một câu chuyện chứng minh”. Tôi chả biết quái gì nên chỉ chực nhìn bài nhưng nó che chắn kỹ lắm, cấm có ngó nghiêng. Mấy cọng tóc loe hoe rủ xuống trang giấy vàng ệch hạng bét, lẹt phẹt chêm thêm tiếng mũi dãi sụt sùi làm tôi càng sốt ruột. Cả buổi tôi chỉ kẻ được cái ô chấm điểm mấy lị lời phê, thế thôi rồi ngồi nhằn bút. Hết giờ tôi nộp giấy trắng, còn nó chi chít những con chữ no tròn màu tím trái chín mồng tơi. Hôm giả bài nó được điểm 10 như một sự đương nhiên. Tôi điểm 1 vì có cái công kẻ ô lời phê và phần ghi điểm. Tôi buồn lắm nhưng tự rút ra được một điều kỳ khôi, rằng dũng cảm chả qua là...đếch sợ. Cái việc tôi nộp giấy trắng chẳng phải là một minh chứng hùng hồn đó sao? Đó hầu như là sự vô tiền khoáng hậu vậy.

Ấy rồi tự dưng nó nghỉ học mấy ngày chẳng rõ lý do. Tôi lấy làm thường thôi bởi lắm lúc cũng muốn ốm mà ở nhà ít bữa, vửa có tý đường sữa cải thiện lại tránh được những môn học hoặc thày cô thiếu cảm tình. Nhưng cô chủ nhiệm thời nghĩ khác bởi cô thương nó và muốn chúng tôi tới thăm. Lại phải về lận bâu mẹ xin mấy hào quyên góp nhưng bà dứt khoát không cho mà chặt một nải chuối xanh to tướng rồi xâu lạt buộc vào ghi-đông xe và ra lịnh đi hay ở thì tùy. Ơ hay...!!!

Bọn tôi như đàn gà nhép huyên náo theo sau cô chủ nhiệm đi thăm Loan. Hầu như với tất cả là lần đầu nhưng cô giáo thì thông thạo lắm. Đó là một căn nhà, à mà không, cái chòi mới phải, lọt thỏm giữa một bên là bãi bồi ven sông và một bên là cái chợ phiên hàng tổng. Thật thà mà nói tôi chửa từng thấy cái chòi nào xác xơ tiêu điều đến vậy. Nó trống hoác hơ, phên nứa mốc rêu cót két tiếng mọt gặm, mái gianh đen lả tả rớt những cọng mủn mùn. Bên trong, hai cái chõng tre xiêu vẹo hai mé, giữa là cái bếp củi to xếp gạch làm kiềng, phía đầu chòi một thân già mắt lòa nhâng nháo khi cô giáo hỏi rằng Loan có nhà không? Ông ta chỉ tay ra phía sông, bảo đang bán rau ngoài chợ.

Bọn tôi nhao ra như ong vỡ bọng. Không hẳn là ham hố cái việc mục sở thị Loan bán rau mà bởi được tha hồ lùa nhau nơi triền đê xóm chợ. Những đứa có tí xu hào còn xà vào đong bơ táo dại, khúc sắn dây hoặc bầy hầy gặm mía non chạy lụt. Tôi chả có tý mẹ gì ngân lượng nên lóc cóc sau đít cô chủ nhiệm hòng lấy phiếu bé ngoan và quanh quất cũng nhìn thấy Loan nơi xó vắng. Nó ngồi kiểu giải thẻ, bên hông là mớ rau thập cẩm đựng trong cái thúng con cạp vành cẩu thả, cạnh là cái thau nhôm méo mó nhăn nhó tứ bề, bên trong có xâu cá đồng ươn cong lên tanh tởm. Cô chủ nhiệm kêu tên nó. Thế thôi mà nó cắm mặt chạy, chân xoắn xít, đít gồng cong. Tôi chẳng hiểu điều gì xảy ra cả. Chỉ khi ai đó xách tai nó lại thì cô chủ nhiệm cứ thế là nấc lên. Đám bọn tôi cũng kịp vây quanh, vài khuôn mặt tư lự nhưng cũng không ít đứa nhem nhẻm quà vặt và cấu véo nhau cười khành khạch.

Mặt nó nặng và lỳ như chì đổ trôn bát. Nịnh mãi mới về lại cái chòi mà giờ đây tôi đã minh định chính xác đó là nhà. Thân già mắt lòa vẫn nhâng nháo, nói cô và các cháu về đi, em nó không có tiền đi học đâu, ở nhà chạy chợ rồi lấy chồng. Nó cũng rất cương quyết, rằng phải bỏ học thôi để lo kiếm ăn lẫn quản việc nhà. Nhìn vào gia cảnh đó quả chẳng ai có thể cam đảm hoặc tự tin để đưa ra một giải pháp hay động viên gì. Cô chủ nhiệm trao gửi cho nó cái phong bì mà tôi đoán tiền của cô là nhiều chứ bọn tôi đáng mấy. Tôi cũng hạ nải chuối treo ghi-đông xe xuống mà dúi vào tay nó, bao ghét bỏ vì tội không cho nhìn bài tan biến sạch. Nhưng tôi không thấy thương nó mấy mà len lỏi một cảm giác rất khó tả như khi ta vắng bóng một người xa thôi nhưng quả có tý bồi hồi thật.

Đó là năm tôi học lớp 8. Mọi chuyện cũng yên ả qua đi như cái sự hằng trôi con nước dù vẫn biết sự đời khó nhọc vô cùng. Bọn tôi lao vào học để thi xuống trường tỉnh nên cũng bẵng quên đi chuyện của Loan. Riêng cô chủ nhiệm thì vẫn hay nhắc bằng cách điền đúng sĩ số lớp ở góc bên trái bảng đen. Mỗi khi nói đến tên Loan thì mắt cô hoe đi một tý. Và rồi cô cũng phải lấy chồng. Một gã mặt quỷ, vũ phu và đờ-mi trinh tiết bởi đã lỡ một lần đò.

***

Lớp cấp 2 trường huyện sau 25 năm gặp mặt. Gớm chết chết, tinh những khuôn mặt của quả táo tầu ngâm thuốc bắc. Ấy nhưng vưỡn có những anh suýt soát 40 mà vẫn trinh nguyên. Thôi thì mỗi người mỗi phận nhưng gặp lại nhau vẫn chí chóe như ngày nào và may mắn là chưa ai sinh hoạt cùng với Âm phần hội. Bọn tôi mời cả cô giáo chủ nhiệm tới chung vui. Cô đã hưu và lên chức bà, chồng vửa nhỡ nhàng mà băng năm ngoái. Tiệc vui lắm, bao kỷ niệm thơ ngây lẫn nhọc nhằn trẻ dại được ôn lại như vẹt học bài. Rồi ai đó nhắc đến Loan...

***

Cô chủ nhiệm kể Loan lấy chồng khi bọn tôi kịp xong trung học. Đó là một anh chàng xóm chợ gia cảnh chẳng khác gì thân phận anh Pha trong văn phẩm của ông đếch gì trước cách mạng. Hóa ra cách mạng thành công đã mấy chục năm mà nhiều cảnh đời cũng không đổi thay là mấy. Cặp " giời sinh" này sau hôn lễ thì bỏ lại một đống văn tự nơi quê nhà mà dắt díu nhau tít mãi mạn Bình Dương làm thân culy kéo cày trả nợ. Loan đi làm thợ may công xưởng, anh chồng phụ hồ xách vữa tô vôi. Ấy rồi cũng nhúc nhắc sinh con, một gái một giai, xem ra khéo lắm. Mỗi tội chúng đều kém lanh nếu như không nói là đần.

Chẳng hiểu giai cấp công nhân bị phản bội hay cuộc sống ngày một khó khăn mà đận rồi hồi hương toàn bộ. Chồng Loan vẫn chung thân nghiệp cũ tuy có hơi phập phù bởi công việc không đều. Loan buôn vặt theo lối mua mớ cả đầu chợ mà bê xuống cuối chợ kiếm đồng chênh nhưng vụng mua vụng bán nên tuyền phải ăn vã thay cơm. Hai đứa con tuy có lớn nhưng chẳng có khôn suốt ngày phệt bậu cửa buồn thiu như hai hạt cơm nguội.

***

Bọn tôi lại góp tiền như năm nào, chẳng nhiều nhặn gì nếu so với thời giá nhưng với Loan hẳn đó là một món lớn nhất trong đời. Ấy nhưng khi cử đại diện trao gửi thì Loan dứt khoát không nhận và nói những lời khi dỗi nắng nôi. Bất quá bọn tôi phải nhờ đến cô chủ nhiệm cũ, người Loan coi như mẹ nhưng sự thể cũng chẳng khác gì.

Người nghèo họ hay dỗi? Hay bởi chúng tôi tồi đi? Hay gì? Còn tôi thì cứ nghĩ, sự liêm sỉ là vô cùng quý giá nhưng chẳng phải là thứ để ăn vã thay cơm.



Viewing all articles
Browse latest Browse all 444

Trending Articles