Là ông anh họ, đẻ cùng một lứa với tôi nhưng còi dí còi dị. Thủa thiên đàng, thực phẩm duy nhất để chữa còi xương suy sinh dưỡng là thịt cóc, thế nên gã mới có cái xú danh Xuyên cóc, một phép gọi tên trứ danh không đâu có như ở xứ ta, khà khà…!!!
Bà nội tôi sinh nhiều con, những mười một người. Đông đảo quá nên cái phép đặt tên cũng giản tiện theo thứ tự số đếm, cơ mà lại chêm tí nho nhe. Bà bác đầu tên Nhất, bố tôi thứ tám nên tên Bát, thân sinh ra gã thứ năm nên tên Ngũ. Riêng chú út không phải là Thập Nhất mà lại đặt là Thừa, cái lý như là vô ý sinh ra vậy.
Đông con nên lắm cháu, đâm ra anh em họ chúng tôi cũng chả mấy thâm tình, nhất là ở cái kỷ hạt cơm nguội còn quý hơn bát máu. Nhưng tôi với Xuyên cóc thì khác, phần vì đồng niên sát vách, phần vì chung chạ từ vỡ lòng trường làng cho đến hết i tờ hàng tổng. Chúng tôi bện lấy nhau đắng đót, khăng khít như cứt với đít vậy.
Bởi mắc chứng còi xương suy dinh dưỡng nên gã trông khôi hài đến mức thảm hại. Đầu to hệt cái giỏ tích bà tôi vẫn hãm trà xanh ban trưa được cắm cẩu thả trên cái cổ bé tẹo, dật dẹo như cổ cò lúc mò cua bắt ốc buổi chiều tà. Tay gã chả khác mấy tứ chi của con khỉ thiểu năng cuối đàn và chân thời củ lạc đến nỗi con hạc trong đình cũng phải thất kinh. Thần tình nhất là cái khuôn ngực, chao ôi, hệt con nhện đực mùa chăng tơ thất bát vậy. Những người yếu bóng vía mà non thấy gã lần đầu, đảm bảo không ngã dập mề thì về nhà cũng chổng phao câu lên mà rên ư ử. Đã thế, toàn thân gã khai khắm, khú còn hơn cả cái coóng sành ủ nước tiểu có thâm niên bởi khi đái gã te tái vung vẩy khắp người. Sự bẩn thỉu ấy được ông bố coi như là một phép trường sinh bất lão hoặc cũng có thể là một hành vi đầy tính tôn giáo cao siêu.
Với cái thể trạng đó thì não bộ gã nghiêng ngả hết ra ngoài, đến nỗi người làng tôi cứ rủa là nếu bổ đầu ra mà nhét vào thì cũng a-lê trào ngược. Khi tôi lên cấp hai thì gã vẫn miệt mài cấp một, đúp lên đúp xuống thì cũng có cái bằng hết tiểu học xóa mù. Là nói cho phong quang thế, chứ thực tế gã đánh vần cái tên khai sinh còn chưa thạo và khi phải toan tính một món gì thì tứ chi buồn bã đến hoang mang.
Kỷ thiên đang đói kém nên chả mấy ai dậy thì thành công, riêng gã thì thất bại toàn tập. Mang tiếng cái đốt mười bảy bẻ gãy sừng trâu nhưng sức lực gã may ra chỉ ngắt đôi được sợi cúc tần bờ giậu. Ấy thế mà cũng dám đi đăng lính làm duyên để đổi lấy lời khuyên là về ăn thêm…thịt cóc. Việc nặng nhọc nhất gã làm là mỗi khi giời mưa thời ngửa cổ mắng cậu giời đang lụ khụ giấu thân chân giường tránh sấm. Hâm đến tỉ độ chứ đùa à, haha.
Tôi vào đại học, được ra với kinh kỳ, Gã ở nhà, vật vờ như bóng ma mỗi bình minh ló dạng. Thanh niên làng tôi phần đa thất học nhưng vẫn quyết chí đái trôi con chữ để lập nghiệp bằng cách bỏ nhà đi kiếm ăn xa. Khốn nạn là không ai đoái hoài đến gã bởi cái nỗi tội tình ốm yếu liêu xiêu. Bố mẹ và những giọt máu trên máu dưới coi gã chả khác mấy miếng thịt thừa đã thành á sừng bám ở mắt cá chân, đồng lần nợ nần muôn thủa. Tôi thương gã theo cái lối tạm bợ qua ngày bởi chính tôi còn đang phải bám hầu bao phụ mẫu cho những học hành cơm áo cần lao.
Hè năm thứ nhất, tôi về quê nghỉ ngơi với tâm thế của một tân sinh viên trường Luật. Tôi khụng khiệng khắp làng trên xóm dưới để kể về những tân thời của kinh kỳ. Đi tới đâu, cái bộ tịch tôi cũng tỏ ra nghiêm trọng và uyên bác lắm, đến nỗi ai ai
cũng phải chép miệng than cho cái mảng màu đối nghịch thối tha là gã. Sự ấy cứ như là phép đòn bẩy vậy khiến tôi chả mấy lộn mề mà lòng dạ lại hả hê dâng lên niềm hoan ca khó tả.
Gã không còn bện lấy tôi như thường lệ dẫu đôi phen tôi có đáo qua nhà. Tôi cũng không bận tâm cho lắm bởi còn nhiều những giao tế chung quanh. Cái mác sinh viên trường Luật làm tôi danh giá hẳn ra, hạng như gã, tôi đã có ý xếp vào hòm ký ức và rắp tâm chờ ngày tiễn biệt. Nói gì nói, hoàn cảnh đổi, sẽ làm tâm tính đổi.
Hết kỳ nghỉ, mẹ lận bâu cho ba trăm bạc để hồi kinh. Tôi bách bộ sang cái quan vẫy xe lai xuống tỉnh để từ đó đi xe khách đường xa. Đang lêu hêu thì gã từ đâu mọc ra, vê gấu áo đứng tần ngần như phải tội. Tôi cứ nghĩ là gã tiễn tôi đi nên thượng vị chực trào ra cục ưu tư nho nhỏ. Nhưng không, bần thần một lát, gã dõng dạc, cho anh vay trăm rưỡi đi nam.
Má ơi, đó là nửa tháng ăn học của tôi chứ đâu phải bỡn, chửa kể những nợ nần quán xá la cà. Cho gã vay, sự nghiệp ăn mày phát quang thấy rõ nhưng nếu gặp may, biết đâu, gã lại đào thoát được khỏi bóng tối vây quanh? Vã chút mồ hôi hột, tôi móc ví cưa đôi món tiền, dứt khoát hệt cái lối chia phe chơi trận giả nhưng có chút hồ nghi lẫn thương cảm xót xa.
Tôi ra trường, đi làm rồi lấy vợ và định vị chốn kinh kỳ. Năm đôi ba bận lần mò về quê thăm nhà và kể những chuyện nết na. Gã thì bặt tăm, kể từ đận găm của tôi trăm rưỡi. Mẹ kiếp, chả biết có ăn nhầm gan con cóc tía nào không mà lì lợm tởm vãi mật.
Một ngày, máy điện thoại của tôi hiện số lạ. Tôi không bao giờ nghe những cuộc gọi không có trong danh bạ chứ đừng nói là số lạ mười một con bởi đó tinh là những bức cung bán nhà và nhục hình đa cấp. Nhưng hôm ấy cứ như là có vong theo nên sau ba cú gọi nhỡ liên tục thì tôi áp tai rên khẽ. Đầu giây bên kia, Xuyên cóc đây, anh và vợ đang ra Hà Nội để thăm cô chú. Giê su ma thánh Ala Nam mô a di đà lạy Chúa tôi. Than ôi…!!!
Sau bữa tối, chúng tôi khề khà hết chuyện xửa xưa lại đến nảy nay. Việc gã lấy được vợ, một cô ả đẫy đà cơ mà mặt tiền lại hơi có phần tăm tối mà nếu để ý kỹ thì còn có nét của những đồng bào thiếu i-ot trầm kha, là làm tôi tò mò nhất. Cả đêm đó, gã kể về mối nhân duyên nhuyễn đến mức như thể thuộc bài. Đại khái là khi gã vào nam, có đi phụ hồ cho một ông chuyên nghề thầu khoán. Bởi chưng thấy gã yếu ớt hiền lành nên ổng thương và hay kêu qua nhà nhậu chơi mỗi khi rỗi việc, dần dà coi gã như con. Ổng tuy giàu nhưng nhõn một công chúa đang tuổi ị đùn có bộ mặt khá bơ vơ, nói trắng phớ ra là bị chút bệnh thiểu năng về não bộ. Nhẽ cái sự ấy làm ổng đa mang với gã hơn chăng? Hay gì?
Chỉ biết gã thành quản gia cho ổng, thay vì đi đánh vữa xúc hồ như mọi khi. Việc chính là trông em và lấm lem chút việc nhà vặt vãnh. Theo thời gian, ba cá thể ấy cứ như được ông giời xe duyên tiền định vậy, mà bằng chứng là công chúa ị đùn kia trở thành vợ gã sau hơn mười lăm năm chăm bẵm trường kỳ và ông chủ thầu khoán đổi phận thành đấng bề trên nhạc phụ chí tôn. Chả vãi vô khối các âm hồn ra, chứ lị.
Hình như chuyến đi này đã được gã hay một ai đó sắp xếp cho rất kỹ nên ngay sáng hôm sau tôi phải đưa vợ chồng gã ra ga tàu hỏa cho kịp với lịch trình. Tôi mua vé tiễn, như là một hành vi của ân ái nhỡ thì. Khi những ngôn lời của giã biệt chửa kịp hắt lên môi thì gã lôi tôi ra một góc, nặng nhọc móc ví ra hẳn ba tờ năm mươi nghìn tím nhạt mồng tơi, cất giọng như ru hời, anh trả chú món vay trăm rưỡi,
Tí nữa thì tôi ngã vật ra nếu như không có sái cigar chống đỡ. Giời ạ, một trăm rưỡi của tôi hồi đó là ba tờ màu xanh giấy sần cơ mà, chứ đâu mong manh tím hồng phẳng phiu nũng nịu như này? Là hẳn nửa tháng cơm cháo chứ đâu phải bằng đôi bát phở kèm quả trứng trần đỏm dáng như bây giờ. Hả giời?
Tôi cự tuyệt mạnh mẽ để gã thối chí mà lui tay. Nhưng không, gã quyết tấn công cho bằng được. Nhưng khi còi tàu be rầm những hồi dài thì gã thất bại, ba tờ giấy bạc buông lơi rối bời trên sân ga.
Tàu đến tàu đi, vạn vật thay đổi bất kỳ. Gã cũng khoác lên mình những thần tình mới mẻ. Thứ cũ kỹ duy nhất không đổi nhẽ lại là giá trị của một trăm rưỡi kia sau gần hai mươi năm lạc trôi. Chao ôi, sao lại có thứ tiền bạc quý hóa đến thế.
Hê hê…!!!