Nhà đông anh em nên cứ đến hè mẹ tôi sơ tán mỗi đứa một nơi mà bà vẫn gọi vui là đi tị nạn dinh dưỡng. Tôi nhớn nhất nhà nên phải đi xa, ở nhà bà ngoại, tít mạn ngược. Nhưng tại bởi cái tâm tính chỉ hiếu động được mỗi ban ngày chứ khi màn đêm buông xuống là khóc nhớ nhà và đòi mẹ ra rả. Ông bà và cậu mợ tôi dỗ cũng chẳng đặng, đe cũng không xong nên dăm bữa nửa tháng lại đón xe khách mang trả về nơi sản xuất và lựa xem mấy đứa em tôi nếu ngoan thời cất đi. Nhưng thật là vô phúc, chỉ nhắc đến thôi là chúng đã ré lên và lẩn láo vê gấu áo núp cột nhà rồi trốn tiệt như chó trốn pháo. Đừng nói trẻ con không biết gì, nhất là khi rẽ thúy chia thâm.
Bên nội nghèo, loanh quanh đằng đít lại đằng đầu đều lấy (.) trâu làm thước ngắm nên chỉ cấu véo được củ sắn củ khoai với hình hài nhiều khuyết tật. Những đận giáp hạt ngày tám tháng ba chả có gì bỏ mồm nên bọn tôi có chầu chực mỏi cổ thì cũng chỉ được ca nước lã cầm hơi. Mẹ kiếp, cái đói dọc sống lưng lẫn chiều dài đất nước làm cho lũ trẻ ngoài tiếng gọi mẹ ra thì chả ú ớ thêm được ngôn lời gì cao quý cả.
Vừa may vào lúc đói kém nhất thì cô ruột ( em gái bố tôi ) lấy chồng. Thật ra thì bà nội đã nhận cái lễ bỏ trầu với một đám khác để ép cô tôi thành thân nhưng ngặt nỗi cô tôi chả loan phượng yêu đương tẹo nào. Trước ngày hợp hôn, cô bắt bà đi trả lễ, nếu không sẽ cắt tóc tu chùa. Ái chà chà, nết na ấy khiến bà tôi buông bỏ.
Cô tôi đẹp lắm, mặt hoa da phấn mắt đa tình, mi cong môi mọng, đít ong eo bọ ngựa mà nếu tả nữa sẽ thừa. Cái vẻ đẹp chắc chắn của thôn nữ lai tạo với chút ẻo lả thoát ly làm cô tôi kỳ khôi khúc triết như một giai nhân hàng tỉnh. Chú rể thì thậm tệ, người được một mẩu, phất phơ như thằng bù nhìn rơm ngoài đồng nhưng mồm mép thì như tép nhảy và có cái mác là cư dân của thị thành. Tình yêu vốn dĩ trái chiều nên tôi cũng chả hơi đâu mà đi luận giải cho cái sự te tái của tào lao đồng bào.
Tôi vốn kháu giai nên nhận được sự biệt đãi vô biên từ cô chú. Các cặp vợ chồng son thường quấn quýt với trẻ con nhưng khi đã sòn sòn dăm ba đứa thì mới ngả ngửa những môi hôn. May cho tôi là khi cô chú hoàn hồn thì đã bước sang tuổi mơ tiên ảo diệu. Adieu…!!!
Cứ mỗi dịp cuối tuần chú lại bình bịch con Honda 67 đón tôi xuống nhà, chuyên cần tới độ tôi nghe bô nổ và mùi thơm của khói xăng là đã nhận ra dù có ngái xa dăm vài cây số. Chỗ tôi ngồi là nắp bình xăng bởi phía sau luôn là mớ rau bơ gạo con gà mà bà tôi nửa thời đùm bọc, nửa thời úy lạo cho nhẽ vợ thớt - chồng dao. Mặt tôi vênh váo như cái bánh đa người ta mua để xúc rượu nếp cái ăn tết Đoan Ngọ khi trông bọn đồng ấu thối tai chai đít hò reo đớp khói xăng thơm. Nhoáng cái, đang inh ỏi những lợn gà cám bã bỗng chốc thành ông kễnh tênh hênh. Chênh vênh như thánh bám ngai, chứ bỡn.
Nhà cô chú tôi nằm trong một con ngõ nhỏ, nom xinh xinh như một thiếu phụ thất tình. Lần đầu tiên tôi được trèo cầu thang gác xép và ngắm những con búp bê đang mơ màng trong khung kính tủ bích - phê ba buồng hẵng thơm mùi gỗ lạt. Nhưng thứ làm tôi bối rối nhất là cái ti - vi to ú ụ, vững chãi trên bốn cái chân gỗ tròn trịa choãi ra ở góc nhà. Cô tôi bảo tối mới có chiếu phim, hay như chiếu bóng bãi trên quê vậy. Thú thật, tôi mất ăn mất ngủ với cái ti - vi này nhất bởi lần đầu tiên tôi thấy người ta ố á ồ à nhưng chỉ có thể chạm vào mà không tài nào cầm nắm được.
Tôi như một hoàng tử bé vào mỗi dịp cuối tuần. Buổi sáng luôn được điểm tâm, khi thì nắm xôi đỗ đồ rất khéo kèm theo cái bánh xèo thơm mùi mật mỡ, lúc thì đĩa bánh cuốn nhân tôm hồng hào như mận đào cuối vụ. Ăn xong là tôi mặc sức chơi những trò đu quay, thú nhún, bệp bênh ở công viên sát mé bờ hồ. Non trưa lại được bồi dưỡng que kem đậu xanh hoặc sữa dừa, vừa mút mát vừa tung tăng chân sáo. Bữa trưa tôi được ăn cơm trắng với thịt nạc rim và uống thứ nước ngọt the the mùi me sấu. Già chiều lại lượn lờ bờ hồ thả thuyền giấy hoặc đi đạp vịt. Tối về ối những thịt thà thơm nhức nhối, ăn như tằm ăn dỗi nhưng lại nhấm nhẳng giắt chút ở răng để đêm mơ màng còn có cái mà chép miệng nuôi sâu.
Tôi đem những thứ của thị thành mà khoe với mẹ. Bà chả tán dương gì mà chỉ dặn đừng lép bép cái mồm kẻo em ún nó tị nạnh thì lại khổ thân ra. Tôi đem kể với bọn đồng ấu trường làng lúc chào cờ sáng thứ hai. Mẹ cái bọn thối tai, nghe như điếc. Tôi chả biết san sẻ cùng ai nên đành ngậm ngùi mà thụ hưởng những đặc ân theo cái nết của con nhà túng bấn.
Hè, mẹ tôi biên chế tôi xuống ở hẳn nhà cô chú. Khỏi phải nói tôi sung sướng thế nào nhưng cũng có chút hư hao khi sự chia xa là hơi dằng dặc. Hôm tiễn tôi đi, bà biện một mâm cơm khôi ngô lắm nhưng mặt mũi lại khá bi ai. Thời cũng phải, giữa cái việc dăm bữa nửa tháng nó khác hẳn với cái sự gán nợ đợ con.
Tôi vẫn là hoàng tử bé trong nhà cô chú. Ban ngày tôi tha thẩn chơi một mình mà không bị khóa nhốt như ở trên quê mỗi khi bố mẹ tôi đi dạy học. Nhưng sau nhẽ sợ tôi buồn hay lo lắng điều gì đó bất an mà chú bắt cô Tám, là em ruột chú, hơn tôi đôi ba tuổi sang chơi cùng. Gớm chết chết, gái thị thành có khác, hơn có tí tuổi mà đã ra dáng chị dáng mẹ lắm rồi. Tôi làm phận em trong cái nỗi ăn thèm vác nặng.
Chúng tôi thành cặp đôi hoàn hảo với những trò vụng dại mê mải. Cô hay mắng tôi là thằng nhà quê mỗi khi giận dỗi. Tôi cũng chả vừa, cứ thè lưỡi mà trêu ngươi như đười ươi phởn chí. Nhiều bận chú tôi phải nhảy bổ vào can nếu không thì máu nội máu ngoại đã xuất huyết tràn trề như cửa bể. Nhưng hễ nguôi ngoai thì lại dính chặt vào nhau như hai hạt cơm nát, làm thiên hạ ai cũng tưởng là chị em. Cơ mà tôi đấm thèm.
Gần ba tháng hè sắp vơi. Miếng thịt nạc rim theo tháng ngày dính thêm nhiều phần mỡ, que kem cũng lạt đi bởi sự cách nhật lúc có lúc không và những chiều bờ hồ công viên thú nhún chẳng còn là thiên đường tận hưởng. Nhiều bữa cơm tôi được biên chế ăn riêng và trước nhất. Lắm hôm đói lòng lục tìm cơm nguội thì chỉ thấy đáy nồi trống trơn được vùi sâu trong mớ bát đũa buồn thiu nhàn nhã. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng ánh mắt cô Tám lúc nào cũng nhìn tôi như phải tội.
Tôi đòi về. Phần vì nhớ nhà, phần vì cảm nhận được có điều gì khang khác của đặc ân. Cô chú tôi hết dỗ lại dọa nhưng không làm cho tôi vơi đi nông nỗi, mà trái lại, càng thêm phần tủi thân. Cả ngày tôi cứ vật vờ vân vê gấu áo, chán thì phệt hiên nhà trông ngóng xa xăm. Cô Tám bày cho tôi đủ trò vui, tặng cho cả những món đồ chơi hảo hạng bao năm găm giấu nhưng tôi nào thiết tha chi, chỉ chực chờ ai động vào là phọt khóc.
Ngày tôi về nhà, mẹ lại biện mâm cơm hệt bữa tôi đi. Chú và bố tôi ngồi khề khà tận lúc giăng ngà khuất dạng. Mẹ tôi kéo cô xuống bếp khêu đèn tâm tình những chuyện truyền kiếp của nàng dâu em chồng. Trong mơ màng, tôi nghe đâu rằng cô đã có mang.
Cô chú về rồi mới ra cái nỗi tình tang tiếc nuối. Tôi đã quen với những đặc ân và lối sống thị thành. Giờ trở về với những sinh hoạt nhà quê và bộn bề cám bã, há chẳng rầu lòng lắm hay sao?
Bất giác tôi níu áo mẹ, hè sau lại cho con xuống chơi nữa nhé? Mẹ tôi vừa đe vừa như thương cảm, rằng nhớn rồi nhẽ nào lại còn đi tranh phần bột của em.
Sự nghiệp tị nạn dinh dưỡng của tôi bỗng chốc bồ côi như thế đó.
Hôm nay, tay nhâng ly vang đỏ, mồm nhai miếng Kha Môn (Jamón) mà xót xa quá thể. Các anh chị mua đi mà nức nở với xuân thì.
Hị hị...!!!