Tết đã phệt nơi bậu cửa mà chửa thấy xu hào nào rủng rẻng trong bâu. Đời chầu lôn nên về cơ bản là luôn lộn về Bần (cho tiện), rất hư thân.
Sáng diện manh áo mới đi nói chuyện cũ xưa về Tết, não ngơ ngáo thế đéo nào lại đánh mất tiệt con điện thoại vô ơn hai sóng hai sim. Mẹ kiếp, đúng là cái số chó nhai sịp rách.
Chiều đi dự tiệc tất niên, đồng bào đến ào ào và ra về như vũ bão vì cuối năm ai cũng bận vác miệng chạy sô (show). Chợt nghĩ, đến cái thú hàng đầu trong tứ khoái mà người ta cứ vội vã thế thì còn nước non mẹ gì. Sao không để riêng hai rộng dài mà cứ nhồi nhét vào cái cữ năm cùng tháng tận? Thật bất nhẫn, bất nhân.
Tối về chửa kịp đóng bỉm, lại réo rắt những đào liễu ất ơ. Của đáng tội, tuy " họa mi" chưa đến nỗi phất phơ nhưng đẫm rượu nên ướt đầm cánh mỏng.
Xuân thì biến mẹ mày đi
Tết nhất cút nốt (bố) thiên di chầu giời.
Ngoài bắc vẫn có lệ chúc thọ cho các bô lão cao niên từ 70 đổ lên. Xưa, các bậc vua chúa 40 đã dềnh dang lo cho tứ tuần đại khánh, phường giá áo túi cơm 50-60 là đã trực chỉ ban thờ. Việc này xưa cũng khác nay, ấy là chuyện nhiêu khê lễ nghĩa, giờ phiên phiến giản tiện, còn chả long trọng bằng một đám thôi nôi.
Tôi có hai ông bác họ năm nay được lên lão. Vênh váo xiêm áo ngự giữa nhà nhận những lời chúc phúc từ đoàn thể cho đến rể dâu nom khí thế lắm. Xong là sà xuống vợt diệu chiêu trà, mặc đám con cháu hau háu đòi cấm cản. Tôi thì cứ đồ rằng, còn hay diệu hay trà là hẵng còn phê pha với đời lắm.
Không hiểu sao làng tôi ai cũng hay rượu, từ nhi đồng thối tai cho đến vắn dài bô lão. Nhẽ nó khởi sự từ một thời thổ tả khi mà cả làng ai cũng nấu rượu. Cám bã nuôi lợn, rượu bán phố xa. Nay không còn mấy nhà nấu, mà có nấu thì hồn vía cũng chẳng còn như xưa, nên tôi cũng dí dái bàn về rượu mà quay lại chuyện mừng thọ của hai ông bác.
Năm nay chả mấy tiền nên tôi đút phong bao lì xì mỗi ông hai loét. Tiền này cũng chả phải của tôi nốt, mà là của một đàn anh thương tình dấm dúi cho sài. Tiền mới lắm, đúng phom vửa ở kho bạc ra. Tôi định bụng lúc tàn canh là gửi biếu rồi phé đi. Người ta cứ bảo đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, chứ tôi thấy nhiều đồng tiền đi sau cũng đáng kể ra phết. Có điều nó chỉ thế với những kẻ ít tiền thôi.
Loằng ngoằng thế đếch nào mà tôi cũng ngoắc cần câu. Nhưng phải đi thôi, hết tết rồi và sẽ bị chết chìm trong rượu. Tôi uống với mỗi ông bác một ly từ biệt, rồi móc túi ngực lấy ra hai cái phong bao thành kính dâng lên. Gớm nữa, cứ sau câu bác xin là hai cái phong bao mất hút vào cái cạp quần không hẳn là lụa, úa màu cháo lòng thắm thiết. Tôi cũng lấy làm mừng, lên lão rồi mà hành vi xem ra vẫn muôn phần linh hoạt lắm.
Trở về phố thị lúc trời đất mịt mùng. Tôi kệ mẹ con mái già đánh vật với những thứ khệ nệ nhà quê. Tôi chui chăn ngủ. Đang ngáp dưỡng sinh thì điện thoại reo ồn ĩ. Tôi nghe. Đầu kia là tiếng một ông bác tôi. Cứ nghĩ ông thương nhớ con cháu mà điện thoại hỏi thăm chuyện đi về cách trở, ai ngờ ông rít lên, rằng tại sao phong bao tao có hai trăm mà ông kia những bốn.
Tôi thốn đến tận rốn. Nhẽ bạc vụn tinh tươm nên nhỡ nhàng mà bị kẹp dính sao? Tôi chào thân ái và quyết thắng khi ông bác tôi chốt hạ, rằng mày đừng cậy có tiền mà xỏ xiên bề trên bền bỉ.
Bố khỉ...!!!
Đinh tắt máy ngủ cho ngon thì đàn anh, người dấm dúi cho dăm vài xu hào để hoang phí tiêu pha, thảng thốt " chú ra chưa? mùng thất qua nhà mừng ông già thượng thượng thọ nhá"
Ái chà chà...!!!