Khi tiếng kéo bễ của ông bố khò khè cất lên đều như chầu phách của những cô đầu già thì bọn tôi rón rén chân mèo bon đi tắp lự. Hướng trực chỉ là con sông nông giang sau nhà bởi tắm ở đấy sướng hơn vì có cây cầu đủ cao để nhảy đến đỏ bẹn và nước sâu vừa phải để không lo chết đuối. Chứ như con bến trước nhà thì mùa hạ nước đục mấy lị nếu có cơn mưa rào thì lênh láng lắm. Tắm táp chả khác đếch vờn nhau với thủy thần. Thiệt thân.
Gớm chết chết, ông bố tôi đến khéo ở cái món dậy bơi. Bằng chứng là giữa một trưa bắng nhắng ông vứt tôi xuống ao mặc cho giã cào cào, thế là biết bơi thôi. Chứ trước đó tôi nhát nước lắm, cứ thò chân xuống là thót hết cả hậu môn dù đã bắt hàng tá chuồn chuồn ông Voi ông Điếu cắn cho lồi rốn. Và sau cái đận đó, trưa nào tôi cũng trốn nhà ra sông để thỏa chí tang bồng. Cái cảm giác được vẫy vùng trong nước mát và nổi lêu bêu dưới nắng hạ chói chang thú vật vô cùng. Sáu tuổi nhưng tôi đã nghĩ mình là bố tướng.
Chả hiểu sao trưa ấy bến sông vắng lặng, tịnh chả thấy bóng dáng một ai. Tôi hơi có tí hoang mang. Nhẽ nào lũ đồng ấu mi ni đang bú ti mẹ cả? Rồi các bà các chị nhẽ ở nhà ngả nghến giấc oi nồng và chổng mông ra hong ngoài song cửa sổ? Nhẽ đâu lại thế?Thường ngày đông đúc lắm cơ mà?
Một cơn gió lùa qua bất giác làm tôi ớn lạnh, chân rờn rợn toan quay gót đi về. Nhưng hẵng còn tiếc nuối cái công trốn nhà bêu nắng tắm sông nên đăm mắt thiết tha lần cuối. Trong màu trắng loang loáng của mặt nước, phía cây cầu có hai chỏm tóc đen đen đang dập dềnh xoắn xuýt lấy nhau kẹt cứng ở mố trụ. Trong trí óc non nớt của tôi thì đó không phải là trò nghịch dại mà đích thị là một tai nạn thương tâm. Tôi be ầm lên.
Hóa ra người làng tôi đều biết cả. Và họ trốn tiệt. Chả ai đủ can đảm để vớt hai cái xác ấy lên cũng như thừa đức độ để đẩy nó xuôi đi chỗ khác. Tôi thì sợ phát khiếp và cạch luôn những chiều giăng câu bởi những cái đầu lâu đầy ám ảnh, nhấp nháy hệt phao bèo ẻo lả lúc sóng sánh vênh vao. Mé bến trước nhà lại là chỗ để tôi đổ bóng cho những hoang đàng tôm tép. Thú vui trẻ con kể cũng lắm những công phu chứ không hẳn là tù mù rồi ngồi ăn cá rán.
Tôi chặt lấy những cành tre mảnh và cong cớn như môi Thị Màu làm cần. Chỉ tôi xe trộm trong hộp gỗ đựng đồ may vá của mẹ. Lưỡi tôi tước ra và uốn từ dây phanh con xe Phượng Hoàng ghẻ lở một cách rực rỡ của bố. Phao thời bẻ cọng bèo Tây dưới ao mà buộc vào. Mồi thường là tép hớt ở mé bến và đôi lúc là giun đào ở vườn nhà. Thế là có đồ lề đi câu.
Con sông nhà Lê là chỗ tôi bêu nắng mỗi trưa hè. Trước khi móc mồi thả câu thời phải bơi lội một hồi cho thỏa thích. Rồi sau tìm chỗ nước lặng và có bóng râm thì mới buông cần.
Thường thì tôi câu ngũ, tức là năm cần, chứ không phải kiểu câu ngũ câu lục như cách nói bây giờ. Những hôm đẹp giời tôm đi ăn theo đàn giật cũng mướt mồ hôi. Nhiều lúc quýnh quáng, dây nhợ lòng thòng rối tung rối mù, gỡ gạc cứ như người ta thua bạc. Xấu giời thì nhàn thôi nhưng được cái câu con nào ra con nấy, tinh tôm to đi ăn mảnh một mình.
Tùy từng hôm mà đầy vơi trong giỏ và kèm theo đó là sự nhăn nhó của diện mạo song thân. Quan điểm của bố tôi là cấm tiệt việc đi câu. Không phải vì ông không thích ăn tôm mà vì cái sự bêu nắng trưa hè nơi mé sông thời tiềm ẩn rất nhiều rủi ro chó má. Mẹ tôi thời hơi khác một chút, mồm thì dọa nạt cảnh báo này kia nhưng lại rắp tâm mua hẳn cho cái mũ kè để đội. Bà sợ tôi bêu nắng nhiều sẽ ốm.
Bữa cơm tinh tươm hẳn ra với đĩa tôm sông đỏ ối. Cơ mà ăn mãi cũng chán. Ngày nào cũng tôm thì bố con cá nào chịu được. Thế là tôi nghĩ ra cách đổi chác cho người ta lấy chút thịt thà hoặc là mắm muối. Cứ hễ câu được mớ nào tươm tươm là tôi bon ra chợ chiều. Vài cái mái rạ liêu xiêu cùng dăm bảy công dân lắm điều đắp điếm cho nhau những thứ tự cung mà có trong nỗi hân hoan đến tội tình.
Và tôi sinh hư ra ở cái chợ chiều đó bởi lắm hôm dư dôi tôi thủ đắc được chút tiền còm. Ban đầu cũng chỉ đổi lấy chục kẹo mấu, xâu bánh đa hay vài ba que kem đá nhưng sau thì thêm chai nước mát có ga cùng với la đà những phê pha bia cỏ. Món tiền còm sủi bọt chốc nhát rồi bốc hơi tít mãi tận chân trời bởi thói bạt mạng chi tiêu và nuôi diều dăm vài đồng ấu. Để có thêm đồng ra đồng vào tôi phải xúc trộm gạo trong cái hũ sành mẹ tôi đã be cực kỳ kín kẽ. Mỗi bận nhiều nhất là một bơ thôi bởi nếu nhiều sẽ lộ vì mẹ tôi đã đong đếm rất kỹ càng, hao hụt là tụt nõ ngay tắp lự. Tôi cho gạo vào giỏ câu tôm rồi đào một cái hố sâu ngoài mé bến làm nơi tập kết. Chiến thuật kiến tha lâu cũng đầy tổ xem ra khá hữu hiệu nhưng miệng ăn thì núi lở, tôi không xoay sở được ở đâu mỗi lúc treo mồm. Thế là tôi xin người ta cho ăn chịu, cứ hễ giả hết nợ cũ thì sẽ được tính thêm món mới. Cái phép ăn uống gối đầu kể cũng lắm thâm sâu.
Mùa nối mùa, năm lại năm, thoắt đà ba niên có lẻ và tôi sắp phải thi vượt cấp lớp chín lên lớp mười. Sự nghiệp bêu nắng sẽ còn chói chang nếu như không có một buổi trưa hoang đàng ông bố tôi chập chờn giở nết. Thường thì ông ngủ say như chết nhưng không hiểu sao hôm ấy lại thức dậy đúng lúc tôi xách giỏ bon đi. Có tí giật mình nên cái giỏ phịch xuống hiên nhà, vài hạt gạo vãi ra theo lỗ nát. Lúc đó tôi chỉ ước có Bồ Tát hiện hình chứ thần kinh đã thời vêu vao lắm. Sự ấy thì làm sao đào thoát được khỏi hai hố mắt bố tôi.
Một trận đòn roi vô tiền khoáng hậu mà đến giờ nghĩ lại hồn phách vẫn còn liêu xiêu. Ông bắt tôi nằm phản lột quần đánh theo bài rồi trói tay cột nhà mà tấn tra theo bản. Xong là dong đi khắp làng trên xóm dưới, vửa đánh vửa rao cái nết ăn cắp của thằng con giai nối dõi tanh hoi. Đòn roi của một ông giáo được tháo khoán kể ra cũng chả khác mấy đòn thù, huhu…!!!
Bồ Tát chẳng có phép màu nên xong trận đòn roi tôi chỉ ước biến thành con bọ hung rúc đầu vào đống cứt mà phân hủy lấp thân. Nhưng ngày thi sắp tới gần, bắt buộc tôi phải biến đau thương thành hành động cách mạng. Thay vì đi bêu nắng, tôi gia cố hình hài trong bốn bức tường với những mớ bài vở thớ lợ đến buồn nôn.
Tôi lên cấp ba mà chả tốn nhiều nếp nhăn vỏ não bởi trước đó thi thố cũng đạt dăm vài cái giải con con. Người ta xét tiêu chuẩn rồi đặc cách nhấc tôi lên trong niềm hân hoan của song thân và lũ em ún như phân. Cái xú khí hư đốn cũng nhạt dần đi bới sự thơm tho của chữ nghĩa học trò. Nhưng tôi muốn học dưới trường tỉnh hơn bởi nơi đó tinh những tài hoa tụ bạ nhưng chính yếu vẫn là trốn tránh vài món nợ quá vãng tồn kho mà chủ nợ lại không muốn vứt đi chìa khóa. Nghe đâu ở trường tỉnh nếu học giỏi thì sẽ được học bổng toàn phần, vừa ấm thân lại dư dả vài phân đáo nợ.
Tôi rủ con Hồng - một đồng ấu và tí nữa thì đồng dâm khi chơi trò vợ chồng chăm bẵm một em búp bê chột mắt - đi thi cùng. Cơ mà nhà nó không cho đi với lý luận một đập hai xoa là con gái học làm gì cho phí thanh xuân, ở nhà đợi đà lún phún rồi lấy chồng thời an vị. Báo hại bố tôi phải thuyết mãi, rằng có học vẫn hơn và nếu sau này có bị chồng đánh thì cũng biết hướng nào đẹp phong thủy mà đào tẩu cho nhanh.
Bố tôi chở hai đứa xuống trường tỉnh, đi sớm lắm. Tôi ngồi vắt vẻo trên gióng sắt con Phượng Hoàng nham nhở tợ quạ khoang, Hồng ngồi dạng háng sau gác ba ga, xót xa như định mệnh. Thi nguyên một ngày, hai môn văn - toán. Bố tôi lận bâu dúi cho ít tiền, dặn trưa hai đứa tìm chỗ ăn quanh trường kẻo lạc, chiều ông xuống đón. Tôi thi ở đầu hồi, con Hồng ngồi cuối dãy. Tôi dặn nó ra sớm hay muộn cũng phải lấy cái cột cờ giữa sân làm mốc hẹn. Tôi đá nhẹ vầu đít nó, thầm ý phải ăn nhời, nghe chưa. Nó gật đầu, ngoan ngoãn và ra vẻ biết điều.
Tôi thông minh vốn trời định, thi tiếng rưỡi nhưng sáu mươi phút đã xong. Tôi lên nộp bài mà mặt vênh, ngực ưỡn. Bọn học trò phố thị nhìn tôi như phải tội. Tôi ra cột cờ ngồi chờ con Hồng. Buồn như lông ngỗng.
Trống điểm hết giờ thi sáng đã lâu mà chả thấy con Hồng đâu, tôi đói bụng và sốt ruột bỏ vị trí chạy đi tìm nó. Vẫn không thấy bóng dáng. Tôi hồ nghi, lo lắng, phập phồng. Tôi gào to tên nó giữa sân trường náo loạn. Bất lực, tôi mếu máo. Nhưng cơm cháo không chờ những thứ ất ơ. Tôi trực chỉ cắm đầu cổng trường, đá bát phở thịt lợn nguội ngắt trong mũi dãi sụt sùi. Trống điểm giờ thi chiều.
Như ban sáng, tôi làm bài cũng chỉ quá nửa thời gian. Xong lại ra cột cờ ngồi hóng con Hồng, chán thì vật vờ cổng trường ngóng trông ông bố. Khi tôi toe toe kể lể sự thất lạc của con Hồng, ông quay xe lằng nhằng như chó vướng xích, guồng chân tẩu như phi, băm bổ huy động làng nước đi tìm. Ông chả kịp chống xe, để đổ ầm bên rào dâm bụt đỏ ngay lối ngõ nhà con Hồng. Tôi le ve chạy bám theo đuôi. Thú thực là rất sợ, tội để lạc mất con Hồng là to lắm, không tìm ra nó thì cứt chó thay cơm.
Mẹ, đời thật là khiếm nhã, con Hồng không lạc đi đâu cả, nó đang ngồi bệt ở sân nhà chơi giải thẻ bằng quả cà tím héo teo. Bố tôi thở không ra hơi vồ lấy nó, sờ nắn vặn vẹo xem người hay ma. Tôi cũng lao vào ăn vã ăn hôi như đúng rồi. Nó đạp tôi ra, hất tung những que thẻ rồi giãy lên đành đạch. Chả ai hiểu cơ sự, thấy đi bộ về nhà từ trưa, khóc rầm từ đầu ngõ. Hỏi sao lại thế, bảo rằng tôi đá đít nó làm chảy máu ro ro, không thi thố gì nữa. Ừ thì tôi có đá nhẹ vào đít nó một cái hẹn hò lúc ban trưa gặp nhau chỗ cột cờ thật. Nhưng sao lại chảy máu? Nhọt mủ hay chỉ là một cú ra chân phóng đãng vô tình?
Tôi ăn mấy cái bạt tai ngay tại trận như là phép hối lỗi của ông bố rồi lẽo đẽo theo về nhà. Dọc đường, tôi giật gấu áo, luôn miệng hỏi bố, sao con Hồng lại thế? Ông lầm bầm, về mà hỏi mẹ mày. Tôi nín thinh từ bấy đến nay và cho đến gần đây khi đi gặp mặt lớp mầm chồi hệ cơm nát trong tiết xuân thì phới phới thì con Hồng mới nói với tôi, rằng chả qua là chút máu đào của ao nước lã tuổi mười lăm, ngày đánh dấu nó trở thành thiếu nữ.
Mẹ tiên sư…!!!