Quantcast
Channel: Phọt Phẹt
Viewing all articles
Browse latest Browse all 444

THẰNG BÔM BỐP

$
0
0

Trong hình ảnh có thể có: 5 người, mọi người đang ngồi, bàn và trong nhà

Là đồng niên với tôi. Thủa trường làng chả biết mặt mũi nhau bởi khác tổng. Lên đến trường huyện thì mới va vào. Thằng này mặt dơi tai chuột, người ngợm đen nhẻm hệt củ tam thất, còi cọc còn hơn cả que kem ế cuối ngày. Chúng tôi không chung lớp nhưng cái sự dị dạng của nó làm cho cả trường ngộ độc nhan sắc phát buồn nôn. Nhưng thứ kinh hồn là nó học rất giỏi và nghịch ngợm tanh tởm, soán cả ngôi độc bá của quỷ ma.

Chả ai muốn chơi với nó nhưng hễ bày ra trò gì là nhảy vào phá đám, ăn hỏng ăn không. Nhiều trận thư hùng theo kiểu trận đồ bát quái nhưng nó đều thoát được bởi cái thói tinh ranh. Tay bo thì nó rê về căn cứ kháng chiến với đấu pháp chó cậy nhà - gà cậy chuồng nên quần hùng đều cựa văng răng gãy. Chuyện thưa gửi lên chủ nhiệm, thậm chí hiệu trưởng đều chẳng ăn thua bởi nó được bảo trợ bởi một giáo viên dạy văn chương hay có tiếng trường huyện. Cô tên Xuân Xuân, người cùng làng, đẹp và hiền như hạt cơm mới của bội thu mùa vụ. Cô cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi.

Nói một chút về cô Xuân Xuân, chao ôi, đâu lại có giống người nhân ái đến thế. Hay tại bởi cô dạy văn chương? Học trò ồn ào, hư đốn trong giờ học cô cũng không nỡ mắng, bất quá thời ôm mặt khóc tu tu rồi phệt bục giảng mà ngồi như tượng đá. Mà cô có phải trẻ nít cho cam, đã quá ba mươi hơn một mùa lưu bút. Thứ tội tình nhất là cô vẫn chưa chồng, thật ái ngại cho nỗi má hồng bật bông với chăn đơn gối chiếc. Hay tại vì thế mà cô yêu quý chúng tôi hơn. Hay gì?

Thì đấy, như con Phập Phồng học cùng lớp với tôi vậy. Con này thân mít đít cong bụng ỏng mặt tròn, mắt thời như hai hạt vừng lép. Trông kỹ thì không thậm xấu, nhác qua lại có nét xinh tạo hình rối nước của ông thợ tồi. Nó học giỏi lắm, toàn năng luôn, trừ môn thể dục.

Nhà con Phập Phồng khí xa trường huyện, mỗi bận đi học phải khởi từ tờ mờ sáng, bằng xe Căng Hải chạy bằng động cơ hơi nước òng ọc trong họng. Người thường đi mất khoảng hơn một giờ nhưng nó thường phải gấp đôi. Không phải vì ham hái hoa bắt bướm mà bởi cái tướng ngũ đoản thần tình thất kinh kia. Bọn tôi ai cũng thương cảm nhưng thân ốc không mang được ốc thì huống chi việc đeo rêu. May mà cô Xuân Xuân, không hiểu bằng cách nào đó mà cho nó mượn cái xe đạp Cửu Long khung võng, mất cả tháng giời huấn luyện chuyên cần thì nó mới biết đi nhưng lề lối cũng chẳng giống ai, cứ hao hao như con khỉ đột già nua đạp xe trong rạp xiếc vậy.

Từ đận có cái xe đạp nó cũng chẳng đến lớp sớm hơn được bao nhiêu nếu như không nói là muộn hơn khi cuốc bộ. Những hôm như thế, gấu quần nó đen nhẻm do bị xích líp quấn vào, cao trào như bị thủng săm hay sang vành thì bộ dạng trông còn kỳ khôi hơn nữa. Có bữa vào lớp khi trống điểm tiết tư, coi như hết ngày.

Nó ngồi cạnh tôi, bàn đầu. Khi làm văn hay làm tính, thay vì ngồi mà biên ra thì nó phải đứng, tất cả là do cái hình hài ngũ đoản gây ra Nhớ hôm làm bài kiểm tra môn giáo dục công dân, đề ra “như thế nào thì gọi là dũng cảm và hãy kể một câu chuyện chứng minh”. Tôi chả biết quái gì nên chỉ chực nhìn bài nhưng nó che chắn kỹ lắm, cấm có ngó nghiêng. Mấy cọng tóc loe hoe rủ xuống trang giấy vàng ệch hạng bét, lẹt phẹt chêm thêm tiếng mũi dãi sụt sùi làm tôi càng sốt ruột. Cả buổi tôi chỉ kẻ được cái ô chấm điểm mấy lị lời phê, thế thôi rồi ngồi nhằn bút. Hết giờ tôi nộp giấy trắng, còn nó chi chít những con chữ no tròn màu tím mồng tơi. Hôm giả bài nó được điểm 10 như một sự đương nhiên. Tôi điểm 1 vì có cái công kẻ ô lời phê và phần ghi điểm. Tôi buồn lắm nhưng tự rút ra được một điều kỳ khôi, rằng dũng cảm chả qua là “đếch sợ” mà thôi. Cái việc tôi nộp giấy trắng chẳng phải là một minh chứng hùng hồn đó sao? Đó hầu như là sự vô tiền khoáng hậu vậy.

Ấy rồi tự dưng nó nghỉ học mấy ngày chẳng rõ lý do. Tôi lấy làm thường thôi bởi lắm lúc cũng muốn ốm mà ở nhà ít bữa, vửa có tý đường sữa cải thiện lại tránh được những môn học hoặc thày cô thiếu cảm tình. Nhưng cô Xuân Xuân thời nghĩ khác bởi cô thương nó và muốn chúng tôi tới thăm. Lại phải về lận bâu mẹ xin mấy hào quyên góp nhưng bà dứt khoát không cho mà chặt một nải chuối xanh to tướng rồi xâu lạt buộc vào ghi - đông xe và ra lịnh đi hay ở thì tùy. Ơ hay...!!!

Bọn tôi như đàn gà nhép huyên náo theo sau cô Xuân Xuân đi thăm con Phập Phồng. Hầu như với tất cả là lần đầu nhưng cô thì thông thạo lắm. Đó là một căn nhà, à mà không, cái chòi mới phải, lọt thỏm giữa một bên là bãi bồi ven sông và một bên là cái chợ phiên hàng tổng. Thật thà mà nói tôi chửa từng thấy cái chòi nào xác xơ tiêu điều đến vậy. Nó trống hoác hơ, phên dậu rêu xanh rêu đỏ, cót két tiếng mọt gặm. Bên trong, hai cái chõng tre xiêu vẹo, giữa là cái bếp củi to bắc gạch làm kiềng, phía đầu hồi một thân già mắt lòa nhâng nháo khi cô giáo hỏi thăm, rằng Phập Phồng có nhà không? Ông ta chỉ tay ra phía sông, bảo đang bán rau ngoài chợ.

Bọn tôi nhao ra như ong vỡ bọng. Không hẳn là ham hố cái việc mục sở thị con Phập Phồng bán rau mà bởi được tha hồ lùa nhau nơi triền đê xóm chợ. Những đứa có tí xu hào còn xà vào đong bơ táo dại thối cuống hay tiện khúc mía non chạy lụt. Tôi chả có tý mẹ gì ngân lượng nên lẽo đẽo sau đít cô Xuân Xuân hòng lấy phiếu bé ngoan và bất chợt nhìn thấy con Phập Phồng nơi xó vắng. Nó ngồi kiểu giải thẻ, bên hông là mớ rau tạp đựng trong cái thúng con cạp vành cẩu thả, cạnh là cái thau nhôm méo mó nhăn nhó tứ bề, bên trong có xâu cá đồng ươn cong lên tanh tởm. Cô Xuân Xuân réo gọi tên nó. Thế thôi mà nó cắm mặt chạy như lăn xuống chân đê. Tôi chẳng hiểu điều gì xảy ra. Chỉ khi ai đó xách tai nó lại thì cô Xuân Xuân cứ thế là nấc lên. Đám bọn tôi cũng kịp vây quanh, vài khuôn mặt tư lự nhưng cũng không ít đứa mồm nhem nhẻm quà vặt và cấu véo nhau cười khành khạch.

Mặt nó nặng và lỳ như chì đổ trôn bát. Nịnh mãi mới về lại cái chòi mà giờ đây tôi đã đinh ninh chính xác đó là nhà. Thân già mắt lòa vẫn nhâng nháo, nói cô và các cháu về đi, em nó không có tiền đi học, ở nhà chạy chợ rồi lấy chồng. Nó cũng rất cương quyết, rằng cũng chẳng thiết tha. Nhìn vào gia cảnh đó quả chẳng ai có thể cam đảm hoặc tự tin để đưa ra một giải pháp hay động viên gì cả. Cô Xuân Xuân trao gửi cho nó cái phong bì mà tôi đoán tiền của cô là chính yếu chứ bọn tôi đáng mấy xu. Tôi cũng hạ nải chuối treo ghi - đông xe xuống mà dúi vào tay nó, bao ghét bỏ vì tội không cho nhìn bài tan biến sạch. Nhưng tôi không thấy thương nó mấy mà len lỏi một cảm giác rất khó tả như khi ta vắng bóng một người xa thôi nhưng quả có tý bồi hồi thật.

Mọi chuyện cũng yên ả qua đi như cái sự hằng trôi con nước dù vẫn biết sự đời khó nhọc vô cùng. Bọn tôi lao vào học để thi xuống trường tỉnh nên cũng bẵng quên chuyện của con Phập Phồng. Riêng cô Xuân Xuân thì vẫn hay nhắc bằng cách điền đúng sĩ số lớp học ở góc trái bảng đen. Mỗi khi gọi đến tên nó là mắt cô nhòe đi trong nhạt nhòa ký ức.

***

Học trò trường huyện sau 25 năm gặp mặt. Gớm chết chết, tinh những khuôn diện của quả táo tầu ngâm sái thuốc bắc. Ấy nhưng vưỡn có những anh chàng suýt soát 40 mà vẫn trinh nguyên nhưng cũng không ít các cô nàng hoang mang lên chức bà, cơ mà La Sát. Thôi thì mỗi người mỗi phận, gặp lại nhau vẫn chí chóe như ngày nào và may mắn là chưa ai dại dột tham gia cái gọi là “cận Địa viễn Thiên” . Bọn tôi mời cô Xuân Xuân tới chung vui. Cô đã hiu hắt đã lâu, người gá nghĩa vửa nhỡ nhàng mà xuôi tay năm ngoái. Tiệc vui lắm, bao kỷ niệm thơ ngây lẫn nhọc nhằn trẻ dại được ôn lại như vẹt học bài. Rồi ai đó nhắc đến con Phập Phồng.

***

Cô Xuân Xuân kể, Phập Phồng lấy chồng khi bọn tôi kịp xong trung học. Đó là một anh chàng cùng xóm chợ, gia cảnh chẳng khác gì thân phận anh Pha trong văn phẩm của ông đếch gì trước cách mạng. Thì con Phập Phồng cũng khác gì chị Dậu đâu? Hóa ra cách mạng thành công đã bao mùa mà nhiều cảnh đời cũng không đổi thay là mấy. Cặp "giời sinh" này sau hôn lễ thì bỏ lại một đống văn tự nợ nần nơi quê nhà mà dắt díu nhau tít mãi mạn Bình Phước - Bình Dương làm thân culy kéo cày thay trâu. Phập Phồng đi làm thợ may nhà máy, anh chồng tự do phụ hồ xách vữa công trường. Ấy rồi cũng nhúc nhắc sinh con, một gái một giai, xem ra khéo lắm. Mỗi tội chúng đều kém lanh nếu như không nói là đần.

Chẳng hiểu giai cấp công nhân bị phản bội hay cuộc sống ngày một khó khăn mà đận rồi hồi hương trọn gói. Anh chồng vẫn chung thân nghiệp cũ nhưng công việc không khác mấy nạ dòng hành kinh bởi rất…không đều. Phập Phồng buôn vặt theo lối mua mớ cá đầu chợ rồi bê xuống cuối chợ kiếm đồng chênh nhưng vụng mua vụng bán nên tuyền phải ăn vã thay cơm. Hai đứa con tuy có lớn nhưng chẳng có khôn, suốt ngày phệt bậu cửa buồn thiu như hai hạt cơm nát.

***

Bọn tôi lại góp tiền như năm nào, chẳng nhiều nhặn gì nếu so với thời giá nhưng với con Phập Phồng hẳn đó là một món to lớn nhất trong đời. Ấy nhưng khi cử đại diện trao gửi thì nó dứt khoát không nhận và nói những lời khi dỗi nắng nôi. Bất quá bọn tôi phải nhờ đến cô Xuân Xuân, người nó coi như mẹ nhưng sự thể cũng chẳng hơn gì.

Người nghèo họ hay dỗi? Hay bởi chúng tôi tồi đi? Hay gì? Còn tôi thì cứ nghĩ, sự liêm sỉ là vô cùng quý giá nhưng chẳng phải là thứ để ăn vã thay cơm.

***

Bọn tôi giở nên thân sau một bận thằng Bôm Bốp rủ về nhà chơi nhân cái đận được nghỉ mùa. Ấy là việc con em ở nông thôn bị ngắt đi sự học hành quãng độ tuần giời để giúp gia đình thu hoạch lúa lang lạc lợn. Nhà tôi không làm nông nên mùa màng nhông nhông như chó dái, đâm ra cái sự thể càng hữu lý cho những khăng khít đít đoi.

Tôi chả giúp được gì ngoài cái việc làm vướng tay vướng chân người khác tuy cũng có cắm đầu đẩy dăm vài xe cải tiến cút kít thóc vàng. Những cánh đồng chiều trơ cuống rạ với bạt ngàn châu chấu cào cào mới là cao xa nông nỗi và bữa tối sấp bóng đèn dầu sặc sụa canh cua đồng mồng tơi mới là vời vợi hân hoan. Tôi đánh đu lấy những khoái lạc đó mà quên tiệt đi cái gia cảnh mạt rệp trứ danh dẫu đang ở lúc bội thu mùa vụ. Nói không ngoa, nếu như nhà con Phập Phồng mang tiền đồ chị Dậu thì nhà thằng Bôm Bốp cũng rất xứng với cái hậu vận anh Pha, hai thân phận của một cặp giời sinh cho những thần tình chốc mép trong văn chương hiện thực trước nguyên niên Ất Dậu. Kinh thiên hơn nữa là ba đứa em đồng loạt thất học chỉ bởi một lý do động địa duy nhất là nhường cơm bơm chữ cho thằng anh, là nó, vốn văn võ hơn người. Ông bố - một thương binh sọ não - quán triệt, rằng thằng anh phải cố gắng học hành để thoát ly và kéo đi những toa tàu há mồm đang phà phà nhả khói đói nghèo vắt veo lên mái rạ. Đó là mệnh lệnh, là nhiệm vụ chính trị của gia đình, dòng họ và cao hơn là sinh tử đời người.

Lên cấp ba, tôi với nó vẫn không chung lớp nhưng tình thân chẳng vì thế mà ngái xa. Nhà tôi gần trường nên buổi trưa thường rủ rê nó về đánh chén nếu hôm đó học thông sang cả ban chiều. Có điều cũng chả mấy khi no bởi gia cảnh tuy không đứt bữa nhưng bát cơm thì vẫn đầy vơi theo những cú xới ở tay người. Đang tuổi ăn tuổi lớn nên mọi nhẽ cứ chênh chao vêu vao như bô lão tụt lá tọa bờ rào.

Chúng tôi vào đại học theo những ngả khác nhau. Tôi đi thẳng vào luật còn nó rẽ ngang từ nông nghiệp sang tổng hợp với cái lý luận đã thuần nông mà lại còn đèn sách cấy cày là rất hỏng. Hai thằng vẫn thăm nom nhau, ngoài tình thân, thì miếng ăn là kim chỉ nam cho mọi hành động. Rất tiếc là toàn phải uống nước lã cầm hơi bởi máu đào luôn đông khô vào những ngày cuối tháng. Sinh viên thời thổ tả, mấy ai no?

Vật vã rồi cũng ra được trường với hành trang là một đống di sản hoang mang và nợ nần quán xá. Còn hiện tại là con số không với cái mông của tương lai luôn có xu hướng chổng vào sự nghiệp. Nó về quê, như một sự đấm buồi vào sóng.

Rồi lại trở ra với mớ của nả là những lời ai oán và thêm độn cả những xấu hổ xót xa. Cho mày chết, không phải thánh thần thì chớ nên nắn gân sứ mệnh. Nhưng nó quyết đẽo bia bằng cách khởi nghiệp lập ra cái công ty chỉ có một người. Là chính nó.

Bọn chí lớn đều có gan nếm phân cả, hệt như Việt Vương Câu Tiễn cam tâm dọn chất thải được bài tiết qua hậu môn cho Ngô Vương Phù Sai trong tích sử xưa của Tàu vậy. Thằng Bôm Bốp tuy không phải ăn cứt nhưng những gì nó nếm trải còn thối hơn phân của Phù Sai vạn đại ngàn lần. Bọn lập thân từ tay trắng, quả là có cái lỗ mũi và lỗ mồm tạp nham đến mức siêu phàm.

Người ta rất dễ gọi tên nỗi đau nhưng lại khó để điểm danh hạnh phúc. Sự thành đạt cũng vậy dù ai đó có thể kể vanh vách những thất bại, kể cả khi thất bại được đầu thai. Thế nên tôi không chắc rằng thằng Bôm Bốp đang thành công hay là hạnh phúc nhưng có một điều tôi biết rõ là giờ đây nó đang có rất nhiều tiền. Mà tiền, chao ôi, là thứ gì đó cực vớ vẩn với lũ chốc mép bởi miệng chúng luôn bem bép cái câu “tiền nong chẳng nghĩa lý chi”. Bố khỉ, chỉ bọn có tiền và rất nhiều tiền mới được quyền nói ra câu đó thôi, nghe nhở? Còn những nức nở bần nông chả bằng cọng lông con quạ đâu mà quần chúng bâu vào xàm ngôn mới cả xàm…à mà thôi.

Chúng tôi vẫn thân thiết như xưa tuy thời gian dành cho nhau không nhiều nữa. Nó bận với những dự án lớn, hở ra là lại đi hầu các ông quan to và dăm vài cô bồ nho nhỏ. Thi thoảng có ngồi co lại một tí thì cũng chỉ biết lấy rượu thay nhời, phê phê thì vô ngôn để thả hồn chạy rông đi ngả khác. Câu uyên bác nhất để nói được với nhau, là “tau về”.

Nhưng trước sau nó vẫn là thằng tín nghĩa thủy chung với gia đình và bạn bè, thậm chí là cả với cave. Nhiều em khởi nghiệp bằng cách “lấy lỗ làm lãi” được nó đối đãi còn hơn những hình nhân của buổi tê tái cơ hàn. Nó thuyết rằng, vốn liếng các em ấy có hạn và vòng đời sản phẩm lại ngắn, thế nên đầu tư vào một chút thời cũng coi như là thực hiện nghĩa vụ công ích với xã hội mà thôi, chứ hoàn toàn không phải là vãi thóc. Ấy thế mà với vợ con thì lại đong đếm từng chinh mẻ bởi nó cho rằng, bọn mà sướng quá thì chắc chắn sẽ…hóa rồ. Ô hô…!!!

Tôi đem chuyện của con Phập Phồng ra mà chiêu tuyết, rằng có nên giúp đỡ phần nào. Những tưởng có chung hoàn cảnh thủa hàn vi thì sẽ vì thế mà hăng hái. Nhưng không, sẽ chẳng có đồng nào. Mẹ kiếp, thật chả coi bạn bè ra cái bẹn bà gì cả. Đã thế nó còn mắng tôi, rằng với những đứa ăn vã liêm sỉ thay cơm như con Phập Phồng thì cách tốt nhất là để cho…chết đói.

Tôi phát ói với mớ ngôn lời mà nó vừa ợ chua ra. Bọn đông tiền, đành rằng, nói gì chả là chân lý nhưng đôi khi cũng thậm khí hư bởi tiền không phải lúc nào cũng lau sạch phụ khoa như thứ nước rửa Dạ Hương thần thánh. Cái tiểu khí của thằng thưa thớt xu hào làm tôi cạch mặt nó một thời gian dài. Cho mãi đến một ngày…

Cô Xuân Xuân được nó cung nghinh ra kinh kỳ dự cái lễ trọng 15 năm thành lập công ty. Đó hầu như là một sự trải lòng để tri ân và có phần khoe mẽ. Nó hối tôi từ rất sớm, cắt đặt cho cái việc giao tế lễ tân bởi dù sao tôi cũng có chút dự phần trong công cuộc đong hìu đầy vẻ vang và cũng vô cùng khó nhọc. Cặp biệt thư song sinh, một ở, một làm tổng hành dinh thần tình như hằng vưỡn, ngày trọng lại có phần lung linh tợ cái lối hội mở sân đình. Bọn nhân viên xúng xính xiêm y, tíu tít ngược xuôi lo việc mọn. Nó nhõn cái phận thò tay ra bắt người ta rồi ngoác mõm nhe răng, nom cũng chả khác mấy đười ươi của rừng già ma kết. Tôi cũng loi choi cười thuê khóc hộ rồi adua hô hố nổ váng giời.

Cô Xuân Xuân sau khi diễn tròn vai cô giáo như mẹ hiền thì lôi tôi ra ngoài hiên, chỉ vào một thằng trong sắc phục bảo vệ đang đứng chầu như nghê đá, con giai Phập Phồng đấy. Ái chà chà, nó ra tự độ nào? Vài tháng rồi, cả con em đang lau sảnh kia kìa. Chu choa, cô đưa ra? Không, thằng Bôm Bốp nó về tận nhà và khiêng ra cả hai đứa.

Khách khứa vãn, chúng tôi ngồi lại với nhau. Thằng Bôm Bốp cao giọng khoát luận, tiền có thể giải quyết được rất niều việc nhưng cũng làm hỏng đi không ít quan hệ, chỉ có lao động mới tạo ra giá trị và thặng dư vĩnh viễn. Bố cái loại con kiến, chỉ được cái hay nói chuyện bầy ong thôi, haha…!!!

Các bạn ạ, chúng ta không được quyền lựa chọn cha mẹ và hoàn cảnh nhưng hoàn toàn có thể thay đổi được số phận nếu các bạn đủ dũng khí…nếm phân. Tồn tại trước đã rồi hãy ăn vã những cái gọi là liêm sỉ - chính chuyên. Còn nếu như nếm trải mãi rồi mà số phận vẫn không lung lay hay nhúc nhích thì hãy hiểu rằng, thế giới này không dành cho bạn.

Nhưng các bạn vẫn thuộc về đâu đó bởi vũ trụ này là rất vô biên.

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng, đám cưới và trong nhà


Viewing all articles
Browse latest Browse all 444

Trending Articles